Ý nghĩa tên gọi Huyệt Du Phủ đó là: Thận khí từ dưới chân đi lên đến ngực thì tụ ở huyệt này, vì vậy gọi là Du Phủ (Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 27 của kinh Thận.
- Huyệt nhận được 1 mạch phụ của Xung Mạch và phân nhánh chạy đến huyệt Liêm Tuyền (Nh.23).
Vị trí huyệt du phủ
Ở chỗ lõm giữa bờ dưới xương đòn và xương sườn 1, cách đường giữa ngực 2 thốn, ngang huyệt Toàn Cơ (Nh.21).
Giải phẫu
- Dưới da là cơ bám da cổ, cơ ngực to, cơ dưới đòn, cơ ức – móng, cơ ức giáp, đỉnh phổi.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh cơ bám da cổ của dây thần kinh mặt, dây ngực to và dây dưới đòn của đám rối thần kinh cánh tay, các nhánh của quai thần kinh sọ não số XII.
– Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Chủ trị
Trị ho suyễn, nôn mửa, ngực đầy tức.
Châm cứu
Châm xiên 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Cự Khuyết (Nh.14) + Linh Khư (Th.24) + Thần Khuyết (Nh.8) trị nôn mửa, ngực đầy (Thiên Kim Phương).
2. Phối Thần Khuyết (Nh.8) trị ho nghịch, suyễn (Thiên Kim Phương).
3. Phối Nhũ Căn (Vi 18) trị ho đờm, suyễn (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Thần Tàng (Th.25) + Thiên Phủ (P.3) trị suyễn, khó thở (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Phế Du (Bq.13) + Thiên Đột (Nh.22) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ho, suyễn (Châm cứu Đại Thành).
6. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Hợp Cốc (Đtr 11) + Khuyết Bồn (Vi 12) + Liệt Khuyết (P.7) + Phù Đột (Đtr 18) + Thập Tuyên + Thiên Đột (Nh.22) + Thiên Song (Ttr 16) + Trung Phủ (P.1) trị 5 loại anh khí (Châm cứu Đại Thành).
7. Phối A Thị Huyệt + Đại Lăng (Tb.7) + Đàn Trung (Nh.17) + Thiếu Trạch (Ttr 1) + Ủy Trung (Bq.40) trị nhũ ung [vú sưng] (Châm cứu Đại Thành).
Tham khảo
“Thường phối hợp huyệt Du Phủ và Vân Môn (P.2), vì Du Phủ là nơi phát ra mạch khí của kinh túc Thiếu Âm Thận, Vân Môn là nơi phát ra mạch khí của kinh thủ Thái Âm Phế. Cả 2 đều nằm ở phía trên cao của ngực, tuy nhiên đường vận hành kinh mạch của 2 kinh này không giống nhau.
Kinh Phế đi từ ngực ra cánh tay, kinh Thận đi từ chân lên ngực. Kinh đi ở tay thì tuyên thông phần trên, kinh đi ở chân có tác dụng liễm, giáng.
Trường hợp ho kèm thở gấp thì lấy Phế làm ngọn (tiêu) và Thận làm gốc (bản). Phế và Thận cùng bị bệnh, Phế bị tà khí xâm nhập thì ho, trong khi đó, Thận hư không nạp được khí, vì khí không quy về gốc mà lại đi nghịch lên trên gây ra suyễn.
Do đó, chọn huyệt Vân Môn để tuyên thông Phế khí, tuyên sướng khí ở ngực, giáng nghịch khí. Chọn Du Phủ và bổ Thận, nạp khí, giữ xụng khí lại, giáng nghịch khí.
Phối hợp thêm huyệt Nhũ Căn (Vi 18) để làm yên được xung khí, làm cho xung khí thuận theo khí của kinh dương, hỗ trợ cho huyệt Vân Môn trong việc tuyên khí và giáng khí, hỗ trợ cho huyệt Du Phủ trong việc liễm khí và nạp khí” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).
Ghi chú
Không châm sâu vì bên dưới là đỉnh phổi.