Ý nghĩa tên gọi Huyệt Phách Hộ đó là: Huyệt là chỗ (hộ) có liên quan đến Phách, (theo YHCT: Phế tàng Phách), vì vậy gọi là Phách Hộ.
Xuất xứ huyệt phách hộ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 42 của kinh Bàng Quang.
- Huyệt Phách Hộ có liên hệ với Phế vì theo Nội Kinh: Phế tàng Phách.
Vị trí huyệt phách hộ
Dưới gai đốt sống lưng 3 (D3) đo ngang ra 3 thốn, cách Phế Du (Bq.13) 1,5 thốn.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ thang, cơ trám, cơ răng bé sau – trên, cơ chậu sườn – ngực, cơ gian sườn 3, bên trong là phổi.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh đám rối cánh tay, các nhánh của dây thần kinh gian sườn 3. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.
Chủ trị
Trị suyễn, phế quản viêm, lao phổi, nôn mửa, màng ngực viêm, vai lưng đau.
Châm cứu huyệt phách hộ
Châm xiên 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Khí Xá (Vi.11) + Y Hy (Bq.45) trị ho, khí nghịch lên (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Trung Phủ (P.1) trị phế bị hàn nhiệt, thở mạnh, khó nằm, ho suyễn (Thiên Kim Phương).
3. Phối Kiên Tỉnh (Đ.21) trị cổ gáy cứng khó xoay trở (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Cao Hoang (Bq.43) trị lao sái truyền thi [lao phổi] (Bách Chứng Phú).
5. Phối Cách Quan (Bq.46) + Can Du (Bq.18) + Cao Hoang (Bq.43) + Phong Môn (Bq.20) + Quyết Âm Du (Bq.14) trị cơ lưng bị phong thấp đau nhức (Trung Quốc Châm Cứu Học).
Tham khảo
Thiên Thích Ngược ghi: “Chứng sốt rét (Ngược) mà mạch Mãn, Đại và Cấp thì châm Bối Du (Đại Trữ) và 5 huyệt Khư Du [gồm Phách Hộ, Thần Đường (Bq.44), Hồn Môn (Bq.47), Ý Xá (Bq.49), Chí Thất (Bq.52] mỗi huyệt một nốt” (Tố Vấn 36, 17).
“Phế lao mà cơ thể nóng: tả Phách Hộ” (Tiêu U Phú).
“Ho liền tiếng, Phế Du (Bq.13) phải nghênh huyệt Thiên Đột” (Bách Chứng Phú). “Cao Hoang + Đào Đạo (Đc.13) + Phế Du (Bq.13) + Thân Trụ (Đc.12) là những huyệt chủ yếu để trị hư tổn, ngũ lao, thất thương. Nếu Phế suy yếu, tả Phách Hộ nhưng phải bổ thêm huyệt Cao Hoang, huyệt Phế Du đồng thời tả huyệt Đào Đạo, huyệt Thân Trụ” (Càn Khôn Sinh Ý).
Ghi chú
Không châm sâu.