HomeĐông YHuyệt Xích Trạch

Huyệt Xích Trạch

Huyệt Xích Trạch ở chỗ trũng (giống cái ao = trạch) cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa), vì vậy gọi là Xích Trạch.

Huyệt Xích Trạch Có Tên Gọi Khác

Quỷ Đường, Quỷ Thọ.

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

Huyệt thứ 5 của kinh Phế.

Huyệt Hợp, thuộc hành Thủy.

Huyệt tả của kinh Phế.

Vị trí huyệt xích trạch

Gấp nếp khuỷu tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.

huyệt xích trạch

Giải phẫu

  • Dưới da là bờ ngoài gân cơ 2 đầu cánh tay, rãnh 2 đầu ngoài, bờ trong gân trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước và khớp khủy.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh cơ – da và thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác dụng huyệt xích trạch

Thanh nhiệt ở thượng tiêu, giáng nghịch khí, tiêu trừ độc trong máu, tiết Phế viêm.

Chủ trị

Trị khuỷu tay sưng đau, cánh tay sưng đau, ho, suyễn, họng viêm, amidal viêm, ho ra máu.

Châm cứu huyệt xích trạch

Châm thẳng 0,5 – 1 thốn. Ôn cứu 5 – 10 phút.

Phối hợp huyệt

1. Phối Thiếu Trạch (Ttr.1) trị hụt hơi, hông đau, tâm phiền (Thiên Kim Phương).

2. Phối Cách Du (Bq.17) + Kinh Môn (Đ.25) + Y Hy (Bq.45) trị vai lưng lạnh, trong bả vai đau do hư (Thiên Kim Phương).

3. Phối Âm Giao (Nh.7) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị lưng đau do chấn thương, hông sườn đau (Châm Cứu Tụ Anh).

4. Phối Khúc Trì (Đtr.11) trị khuỷu tay co rút (Ngọc Long Kinh).

5. Phối Thần Môn (Tm.7) trị tay tê (Châm Cứu Đại Thành).

6. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) trị khuỷu tay sưng đau không giơ lên được (Châm Cứu Đại Thành).

7. Phối Đại Lăng (Tb.7) + Gian Sử (Tb.5) + Tiểu Hải (Ttr.8) trị khuỷu tay sưng đau (Châm Cứu Đại Thành).

8. Phối Nhân Trung (Đc.26) + Ủy Trung (Bq.40) trị lưng sườn đau do té ngã tổn thương (Châm Cứu Đại Thành).

9. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Côn Lôn (Bq.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bq.65) + Ủy Trung (Bq.40) trị lưng đau do chấn thương (Châm Cứu Đại Thành).

10. Phối Côn Lôn (Bq.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Hạ Liêu (Bq.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bq.65) + Ủy Trung (Bq.40) trị lưng đau do tổn thương, khí thống (Y Học Cương Mục).

 

11. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Phế Du (Bq.13) + Thái Khê (Th.3) trị ho nhiệt (Thần Cứu Kinh Luân).

12. Phối Âm Giao (Nh.7) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị lưng và hông sườn đau do chấn thương (Thần Cứu Kinh Luân).

13. Phối Cao Hoang (Bq.43) + Đại Chùy (Đc.14) + Phế Du (Bq.13) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Khê (Th.3) trị lao phổi (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

14. Phối Kim Tân + Ngọc Dịch có tác dụng sinh tân dịch (Phối Huyệt Kinh Lạc Giảng Nghĩa).

15. Phối Đại Chùy (Đc.14) thấu Kết Hạch Huyệt + Hoa Cái (Nh.20) thấu Triển Cơ (Nh.21) trị lao phổi (Châm Cứu Học Thượng Hải).

16. Phối Ủy Trung (Bq.40) [xuất huyết], trị đơn độc, tà độc của thời khí (dịch) (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

Châm huyệt này bừa bãi, làm cho khí bị rối loạn, có thể làm cho gân bị bại, tay không co lại được.
“Đầu gối bị sưng khó đi đứng, huyệt Xích Trạch có thể làm cho gân cốt đang đau trở thành dễ chịu.

Đối với tay bị co quắp, châm huyệt Xích Trạch sẽ trừ được tay bị mất cảm giác” (Trửu Hậu Ca).

“Châm bổ huyệt Xích Trạch có thể chữa bệnh thổ huyết và định được suyễn (Linh Quang Phú).

“Năm loại khuỷu tay bị đau, nên châm huyệt Xích Trạch” (Tịch Hoằng Phú).

“Huyệt Xích Trạch trừ được khuỷu tay đau và gân bị co rút” (Thông Huyền Chỉ Yếu Phú).

“Hai khuỷu tay bị co quắp, có liên hệ đến cân cốt, cử động vì vậy không còn bình thường nữa, chỉ châm huyệt Khúc Trì (Đtr.11) rồi lại châm luôn huyệt Xích Trạch (P.5) mới thấy rằng lời thánh truyền là hay” (Ngọc Long Ca).

 

“Phế tả Xích Trạch bổ Thái Uyên”. Phế thực chứng, châm tả huyệt Xích Trạch, vì Phế thuộc Kim. Bản huyệt (Xích Trạch) thuộc hành Thủy, Kim sinh Thủy, Thủy là ‘tử’ (con) của Kim. Xích Trạch là ‘tử’ huyệt của Phế Kinh. Thực thì tả ‘tử’.

Tả Xích Trạch để tả Phế Thực…” (Thập Nhị Kinh Tử Mẫu Bổ Tả Ca). “Thường phối hợp huyệt Xích Trạch với huyệt Ủy Trung (Bq.40). Vì Xích Trạch là huyệt hợp của kinh thủ Thái Âm Phế. Thuộc hành Thủy, lạc thông với Tâm, có tác dụng tiêu trừ độc trong máu.

Ủy Trung là huyệt Hợp của kinh túc Thái Dương Bàng Quang, thuộc hành Thổ. Thử nhiệt tà đầu tiên xâm nhập vào Thái Dương, châm ra máu có thể trị được tà độc của thời dịch.

Vị trí hai huyệt này, một huyệt ở tại khớp khuỷu tay, một huyệt ở nhượng chân. Hai nơi này là nơi hội tụ của huyết mạch lớn, vì vậy, nên châm cho ra máu. Khí lục dâm gây bệnh là những tà khí gây thành dịch lệ. Trước hết nó trúng vào Thái Dương rồi truyền vào Thái Âm. Vì vậy, châm ra máu hai huyệt này để cho huyết độc ra” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

 

“Phối tả Phong Long (Vi.40) (dùng phép Thấu Thiên Lương) + Thiên Đột (Nh.23) có tác dụng giống bài Thanh Khí Hóa Đờm Hoàn trong Thẩm Thị Tôn Sinh Thư (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

“Phối tả Phế Du (Bq.13) + Phong Môn (Bq.12) + Phong Long (Vi.40) có tác dụng giống bài Định Suyễn Thang của Trương Thời Triệt Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

“Tả Xích Trạch + Nội Đình (Vi.44) + bổ Phục Lưu (Th.7) có tác dụng thanh Phế, nhuận táo, giống như bài Thanh Táo Cứu Phế Thang của sách Y Môn Pháp Luật (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

“Các huyệt Xích Trạch, Liệt Khuyết, Ngư Tế, Thiếu Thương, Thái Uyên đều trị bệnh về Phế nhưng có tác dụng khác nhau: Xích Trạch: thanh tiết Phế nhiệt, sơ vệ, giải biểu. Liệt Khuyết: sơ vệ, giải biểu, tuyên lợi Phế khí. Ngư Tế: thanh tiết Phế nhiệt, thanh lợi yết hầu. Thiếu Thương: thanh lợi hầu họng, thanh tuyên Phế khí. Thái Uyên: bổ Phế, ích khí, thanh tuyên Phế khí (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

Ghi chú: Nếu cứu, không được cứu bỏng thành sẹo sẽ làm hạn chế cử động.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất