Bạc Hà

BẠC HÀ dùng bộ phận trên mặt đất của cây Bạc hà Việt Nam Mentha arvensis L. Họ
Hoa môi Lamiaceae.

Tính vị: vị cay, tinh mát

Quy kinh: vào hai kinh phế và can

Công năng chủ trị:

– Giải cảm nhiệt, làm ra mồ hôi, dùng với cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, đau đầu ít hoặc không có mồ hôi, có thể dùng để xông; hoặc dùng bạc hà 20g, thạch cao sống 40g sắc uống. Dùng trong trường hợp sốt cao, miệng khát, tâm phiền buồn bực hoặc dùng riêng bạc hà 8g sắc uống. Ngoài ra còn dùng phòng bệnh cảm cúm, bạc hà, tô diệp, hoắc hương, lượng bằng nhau sắc uống liền trong 3 ngày.

– Trừ phong giảm đau, dùng đối với bệnh đau đầu, đau mắt đỏ do phong nhiệt, họng đỏ sưng đau; phối hợp với cúc hoa, vỏ núc nác. – Chỉ ho, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như huyền sâm, mạch môn.

– Kiện vị, chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa; dùng trong các bệnh ăn uống không tiêu, nôn lợm, ợ chua, đau bụng, đi tả, có thể dùng 20g lá sắc uống trong ngày.

– Giải độc, làm cho sởi mộc, phối với ngưu bàng, thuyền toái sắc uống. Ngoài ra còn dùng lá giã nát băng vào chỗ bỏng hoặc mụn nhọt để chống nhiễm khuẩn và lên da non. Nước sắc bạc hà, hoặc nước no sau khi cất tinh dầu, có thể dùng súc miệng sát khuẩn răng miệng, lợi mật.

Liều dùng: từ 2-12g

Kiêng kỵ: những người khí hư huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng, Không nên dùng bạc hà xông hoặc cho trẻ con uống.

Chú ý:

– Tác dụng dược lý: với liều nhỏ, bạc hà có tác dụng, hưng phấn, kích thích trung khu thần kinh, làm mạch máu giãn nở, thúc đẩy mồ hôi bài tiết và hạ nhiệt. Liều lớn se kích thích tủy sống. Làm tê liệt phản xạ vận động. Bạc hà còn tác dụng trên đoạn rễ thần kinh bị tê đau và tác dụng gây tê cục bộ.

– Tác dụng kháng khuẩn: bạc hà có phổ kháng khuẩn rộng, ức chế nhiều loại vi khuẩn như: Staphilo. aureus; Sal.typhy; Sh. flexneri; Sh. sonnei; Sh. shiga; B. subtilis; Strepto. D. pneumonie; H. perrtussis. Theo Nguyễn Đức Minh, tinh dầu bạc hà có tác dụng diệt amip.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất