BẠCH PHỤC LINH (Phục linh) Là hạch nấm phục linh Poria cocos (Schw) Wolf. Họ Nấm lỗ Polyporaceae ký sinh trên rễ cây thông.
Tính vị: vị ngọt, nhạt, tính bình
Quy kinh: vào 5 kinh tỳ, thận, vị, tâm, phế
Công năng chủ trị:
– Lợi thấp, thẩm thấp: dùng trong các bệnh tiểu tiện bí, đái buốt, nhức, nước tiểu đỏ, hoặc đục, lượng nước tiểu ít, người bị phù thũng. Khi dùng có thể phối hợp với trạch tả, xa tiền tử (hạt mã đề).
– Kiện tỳ: dùng trong bệnh của tạng tỳ bị hư nhược gây ỉa lỏng, thường phối hợp với đẳng sâm, bạch trật, hoàng kỳ co trong thành phần của bài tứ quân.
– An thần: trị tâm thần bất an, tim loạn nhịp, hồi hộp, mất ngủ hay quên; thường phối hợp với viễn chí, long nhãn, toan táo nhân.
Liều dùng: 12-16g
Chú ý:
– Trên lâm sàng người ta đã tổng kết vỏ của phục linh có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, dùng để trị bí tiểu tiện (có trong thành phần của bài ngũ bì ẩm). Người ta chia phục linh ra làm 3 bộ phận từ ngoài vào trong của nó, lần lượt là xích phục linh (vì có màu đỏ nhạt), xích phục linh có tác dụng lợi thấp nhiệt. Lớp trong cùng có các sợi nấm xốp, có rễ thông ở giữa xuyên qua, gọi là phục thần, có tác dụng an thần, trị mất ngủ, hồi hộp. Lớp màu trắng gọi là bạch phục linh, bạch phục linh để kiện tỳ, lợi thấp.
– Tác dụng dược lý: phục linh có tác dụng lợi niệu, hạ đường huyết, có tác dụng cường tim ếch cô lập. Tác dụng trấn tĩnh, tác dụng chống nôn do acid Pachymie.
– Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc 100% có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến hình. Cần phân biệt với thổ phục linh Smilax glabra Roxb, dùng để làm mạnh gân cốt, chữa xương khớp, lợi tiểu; còn có tác dụng hạ đường huyết.