Hòe Hoa

HÒE HOA là nụ hoa phơi khô của cây hòe Styphnolobium japonicum (L) Schott, Sgn.
Sophora japonica L. Họ Đậu Fabaceae. Hòe là cây thuốc được trồng nhiều ở địa phương miền bắc, đặc biệt ở Thái Thụy, Thái Bình.

Tính vị: vị đắng, tính hơi hàn

Quy kinh: vào hai kinh can, đại tràng

Công năng chủ trị:

– Lương huyết chỉ huyết: dùng trong các trường hợp huyết nhiệt gây xuất huyết như chảy máu cam, lỵ, trĩ chảy máu, phụ nữ băng huyết, đại tiểu tiện ra máu; phối hợp với trắc bách diệp, kinh giới (sao đen); có thể dùng thuốc có hoa hòe và một số vị thuốc khác có thể chế như sau để chữa trị: hòe hoa 20g, kinh giới 40g, chỉ xác 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 12g, cho thuốc vào nồi, dùng lá chuối bịt kín miệng, cho nước, đun sôi 10 phút; chọc một lỗ thủng, xông trực tiếp vào chỗ trĩ ở hậu môn, khi nước nguội dùng nước sắc đó rủa chỗ trĩ; cách làm này đã mang lại hiệu quả tốt cho bệnh trĩ.

– Thanh nhiệt bình can: dùng trong trường hợp can hỏa thương việm, đau mắt đỏ, đau đầu.

– Bình can hạ áp: dùng hoa hòe sao vàng trong bệnh huyết áp cao, có thể phối hợp với xa tiền tử, thảo quyết minh sao vàng, có thể uống dưới dạng thuốc chè. Ngoài ra có thể dùng điều trị bệnh đau thắt động mạch vành.

– Thanh phế, chống viêm: dùng trong bệnh viêm thanh đới, nói không ra tiếng. Hoa hòe sao vàng 12g, sắc uống trong ngày. Hoặc trong bệnh viêm thận cấp.

– Hòe giác (quả hòe) vị đắng, tính hàn

Quy kinh: can, đại tràng

Công năng chủ trị:

– Có tác dụng thanh can đởm, trừ phong lương huyết: dùng trong các trường hợp tỳ vị nhiệt, chảy nhiều dãi, trĩ nhọt, phụ nữ can khí uất kết, nhọt vú. Ngoài ra còn dùng trong bệnh đại tiểu tiện ra máu, phối hợp với đậu đen; có thể dùng hòe giác ngâm trong cồn, sau pha vào nước đun sôi để nguội mà rửa vết thương, thối loét có kết quả.

– Lá hòe, đồ chín phơi khô nấu nước uống, chữa mờ mắt, hoặc dùng lá hòa tươi sắc lấy nước rửa mụn nhọt.

Liều dùng: 4-12g

Kiêng kỵ: không dùng hoa hòe cho phụ nữ có thai. Khi dùng hòe giác cho phụ nữ, dùng phải thận trọng

Chú ý:

– Tác dụng dược lý: rutin (thành phần chủ yếu của hoa hòe) có tính chất của sinh tố P, có tác dụng làm dẻo mao mạch giảm độ thấm của thành mạch. Làm hạ huyết áp, chống phóng xạ của tia X, chống viêm thận cấp. Dạng muối Na của rutin có tác dụng làm giảm nhẹ phù nề của tĩnh mạch khi bị viêm. Sau khi bị oxy hóa, rutin có tác dụng làm tăng đường huyết của thỏ ở mức độ tương đương với liều 0,05mg/kg chất cortizon. Chất quercetin trong hòe có tác dụng cầm máu, còn chất isoramnetin trong hòe lại có tác dụng chống cầm máu.

– Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc có tác dụng ức chế Sb.flexneri.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất