HomeĐông YHuyệt Âm Cốc

Huyệt Âm Cốc

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Âm Cốc đó là: Âm = mặt trong chân. Cốc = khe nước chảy ở hai bên núi. Huyệt này thuộc kinh Thận, là kinh âm, nằm ở chỗ lõm giữa hai gân cơ chân, vì vậy, gọi là Âm Cốc (Trung Y Cương Mục).

“Chỗ sâu là cốc. Thận là tạng âm. huyệt ở chỗ lõm nơi nhượng phía sau chân, vì vậy, gọi là Âm Cốc” (Du Huyệt Mệnh Danh Hội Giải).

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

  • Huyệt thứ 10 của kinh Thận.
  • Huyệt Hợp, thuộc hành Thủy.
  • Nơi xuất phát kinh Biệt Thận.

Vị trí huyệt âm cốc

Ngồi thõng chân hoặc hơi co gối để nổi gân lên, huyệt ở đầu trong nếp gấp nhượng chân, sau lồi cầu trong xương chầy, trong khe của gân cơ bán gân (gân chắc, nhỏ) và gân cơ bán mạc (gân mềm, lớn hơn, nằm ở trên).

Vị trí huyệt âm cốc

Giải phẫu

  • Dưới da là khe giữa gân cơ bán gân và gân cơ bán mạc, đầu trên cơ sinh đôi trong, khe khớp nhượng chân.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh hông và dây thần kinh chầy sau.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng huyệt âm cốc

Trừ thấp, thông tiểu, tư Thận, thanh nhiệt, sơ tiết quyết khí, lợi hạ tiêu.

Chủ trị

Trị khớp gối viêm, mặt trong khớp gối sưng đau, vùng bụng dưới đau, tiểu gắt, tiểu buốt, băng lậu, liệt dương, thoát vị.

Châm cứu huyệt âm cốc

Châm thẳng, sâu 1 – 1,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

Phối hợp huyệt

1. Phối Đại Đôn (C 1) + ủy Dương (Bq 39) + ủy Trung (Bq 40) trị tiểu khó (Tư Sinh Kinh).

2. Phối Túc Tam Lý (Vi 36) trị hoắc loạn, thổ tả (Châm cứu Tụ Anh).

3. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) trị tiểu không thông (Châm cứu Đại Thành).

4. Phối Nhiên Cốc (Th 2) + Phục Lưu (Th 7) trị đờm (Châm cứu Đại Thành).

5. Phối Bàng Quang Du (Bq 28) + Khí Hải (Nh 6) + Quan Nguyên (Nh 4) + Thái Khê (Th 3) + Thận Du (Bq 23) trị nước tiểu vàng, nước tiểu đỏ (Châm cứu Đại Thành).

6. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Quan Nguyên (Nh 4) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị tiểu gắt, tiểu buốt (Loại Kinh Đồ Dực).

7. Phối Bá Hội (Đc 20) + Gian Sử (Tb 5) + Phục Lưu (Th 7) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị điên cuồng (Thần Cứu Kinh Luân).

8. Phối Thủy Phân (Nh 9) + Túc Tam Lý (Vi 36) có tác dụng lợi tiểu, trị phù (Thái Ất Ca).

9. Phối Khí Hải (Nh 6) + Tam Tiêu Du (Bq 22) + Thận Du (Bq 23) + ủy Dương (Bq 39) trị tiểu bí do Thận khí bất túc (Tứ Bản Giáo Tài Châm cứu Học).

Tham khảo

  • “Rốn đau suốt đến bụng: châm tả thủy khí của kinh túc Thiếu âm Thận là Âm Cốc” (Thông Huyền Chỉ Yếu Phú).
  • “Chỗ sâu gọi là cốc, Thận là tạng âm. Huyệt ở chỗ lõm tại phía sau nhượng chân, vì vậy gọi là Âm Cốc (Du Huyệt Mệnh Danh Hội Giải).
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất