Ý nghĩa tên gọi Huyệt Bản Thần đó là: Bản = có bản lãnh, tức có công năng. Huyệt có tác dụng trị những bệnh điên, kinh sợ, các bệnh thuộc thần chí. Đầu là nơi ngự trị của thần. Huyệt lại ở vị trí ngang với huyệt Thần Đình, vì vậy gọi là Bản Thần (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Bổn Thần, Trực Nhĩ.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 13 của kinh Đởm.
- Huyệt giao hội của 3 kinh Cân Dương ở tay.
- Huyệt hội với Dương Duy Mạch.
Vị trí huyệt bản thần
Trong chân tóc 0,5 thốn, từ khóe mắt ngoài kéo lên chân tóc.
Giải phẫu
- Dưới da là chỗ cơ trán dính vào cân sọ, xương trán.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh mặt.
- Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng huyệt bản thần
Thanh tả Can Đởm, trấn tĩnh, an thần.
Chủ trị
Trị động kinh, cơ gáy cứng.
Châm cứu
Châm xiên dưới da, sâu 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 1 – 3 tráng. Ôn cứu 3 – 5 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Thiên Trụ (Bq 10) + Tiền Đỉnh (Đc 21) + Tín Hội (Đc 22) trị trẻ nhỏ bị kinh giản (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Lư Tức (Ttu 19) trị ngực và sườn đau không xoay trở được (Thiên Kim Phương).
3. Phối Thân Trụ (Đc 12) trị động kinh (Bách Chứng Phú).
4. Phối Đại Đô (Ty 2) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thân Mạch (Bq 62) trị bệnh ở mắt (Châm cứu Học Thượng Hải).