Ý nghĩa tên gọi Huyệt Bàng Quang Du đó là: Huyệt có tác dụng đưa (du) kinh khí vào phủ Bàng Quang, vì vậy, gọi là Bàng Quang Du.
Xuất xứ
Mạch Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 28 của kinh Bàng quang.
- Huyệt Bối Du của kinh Túc Thái Dương Bàng Quang, để tản khí Dương ở Bàng Quang.
Vị trí huyệt bàng quang du
Ngang đốt xương thiêng 2, cách 1,5 thốn, chỗ lõm giữa gai chậu sau và xương cùng.
Giải phẫu
- Dưới da là cân của cơ lưng to, khối cơ chung của các cơ ở rãnh cột sống xương cùng 2.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của đám rối cánh tay, nhánh của dây thần kinh sống cùng 2.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1 và S2.
Tác dụng huyệt bàng quang du
Tuyên thông hạ tiêu, khu phong thấp.
Chủ trị
Trị vùng thắt lưng và xương cùng đau, tiểu dầm, bệnh về đường tiểu.
Châm cứu huyệt bàng quang du
Châm thẳng, sâu 1 – 1,5 thốn. Cứu 3 – 7 tráng. Ôn cứu 5 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Cự Liêu (Đ 29) + Hạ Liêu (Bq 24) + Khí Xung (Vi 30) + Thượng Liêu (Bq 21) + Trường Cường (Đc 1) + Yêu Du (Đc 2) trị lưng đau (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
2.Phối Thái Khê (Th 3) + Thứ Liêu (Bq 32) trị chân mất cảm giác (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Tỳ Du (Bq 20) trị ăn không tiêu (Bách Chứng Phú).
4. Phối Bào Môn + Đan Điền (Nh 6) + Kinh Môn (Đ 25) + Tiểu Trường Du (Bq 27) trị đại tiểu tiện không thông (Châm cứu Tập Thành).
5. Phối Khí Hải (Nh 6) + Khúc Tuyền (C 8) trị dưới rốn lạnh đau (Thần Cứu Kinh Luân).
6. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thận Du (Bq 23) trị tiểu nhiều, tiểu không tự chủ (Châm cứu Học Thượng Hải).
7. Phối Khúc Cốt (Nh 2) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thận Du (Bq 23) trị tuyến tiền liệt viêm (Châm cứu Học Thượng Hải).
8. Phối Đại Trường Du (Bq 28) + Hoàn Khiêu (Đ 30) + Phong Thị (Đ 31) + Thận Du (Bq 23) + Túc Tam Lý (Vi 36) + ủy Trung (Bq 40) trị lưng đau, thần kinh tọa đau (Châm cứu Học Giản Biên).
9. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Hành Gian (C 2) + Thái Khê (Th 3) + Trung Cực (Nh 3) trị tiểu buốt, gắt (Tứ Bản Giáo Tài Châm cứu Học).