Ý nghĩa tên gọi Huyệt Bễ Quan đó là: Khớp háng (bễ) khi chuyển động, tạo thành khe (quan). Huyệt ở tại thẳng trên khớp này, vì vậy gọi là Bễ Quan (Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ
Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).
Đặc tính
Huyệt thứ 31 của kinh Vị.
Vị trí huyệt bễ quan
Trong vùng phễu đùi (scarpa), nơi gặp nhau của đường kẻ ngang qua xương mu và đường thẳng qua gai chậu trước trên, nơi bờ trong cơ may và cơ căng cân đùi, trên lằn gối chân 13 thốn, ngang huyệt Hội Âm (Nh 1).
Giải phẫu
- Dưới da là góc của cơ may và cơ căng cân đùi, cơ thẳng trước đùi, khe của cơ rộng giữa đùi và cơ đái – chậu, xương đùi.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi, nhánh của dây thần kinh mông trên, các ngành ngang của đám rối thắt lưng.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.
Tác dụng
Khứ phong thấp, thông kinh, hoạt lạc.
Chủ trị
Trị chi dưới liệt, nửa người liệt, cơ đái chậu viêm, đùi đau, háng đau, co duỗi chân khó khăn.
Châm cứu
Châm thẳng 1 – 1,5 thốn, Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.