Ý nghĩa tên gọi Huyệt Cấp Mạch đó là: Huyệt nằm ở vùng động mạch bẹn, sờ vào thấy mạch đập nhanh (cấp), vì vậy gọi là Cấp Mạch (Trung Y Cương Mục).
“Huyệt ở cách hai bên bộ phận sinh dục ngoài 2,5 thốn, đường kinh đi ở bụng dưới lan đến âm hoàn, khi hàn lạnh thì sinh đau, mạch chạy rất nhanh. Huyệt ở chỗ này, vì thế gọi là Cấp mạch” (Kinh Huyệt Thích Nghĩa Hội Biên).
Xuất xứ
Thiên ‘Khí Phủ Luận’ (Tố Vấn 59).
Đặc tính
Huyệt thứ 12 của kinh Can.
Vị trí huyệt cấp mạch
Ở bờ trên xương mu 1 thốn, đo ngang ra 2,5 thốn nằm trên nếp lằn của bẹn, dưới cung đùi.
Giải phẫu
- Dưới da là cung đùi Fallope, khe cơ lược và cơ khép nhỡ, cơ khép bé và cơ bịt.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh bịt.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L 2.
Tác dụng huyệt cấp mạch
Thông kinh, tán hàn.
Chủ trị
Trị bụng dưới đau, mặt trong đùi đau, dương vật đau, tử cung sa.
Châm cứu huyệt cấp mạch
Châm thẳng 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Đại Đôn (C 1) + Quan Nguyên (Nh 4) trị dịch hoàn viêm (Châm cứu Học Thượng Hải).
2. Phối Trung Đô (C 6) + Khúc Tuyền (C 8) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị âm hộ hoặc dương vật đau (Châm cứu Học Việt Nam).
Tham khảo
Khi chú giải thiên Khí Phủ Luận (Tố Vấn 59), Vương Băng viết: “Cấp Mạch, Quyết Âm Cấp mạch là một, nó ở trong chùm lông phía trên cơ quan sinh dục đo vào 2,5 thốn. Ấn vào đó thấy cứng, ấn mạnh vào thì đau cả trên lẫn dưới. Nếu trúng hàn phía bên trái thì đau lan đến bụng dưới. Hai mạch này đều là đại lạc của Quyết Âm, thông hành ở trong đó, vì vậy, gọi là Quyết Âm Cấp Mạch, tức là hệ thống dịch hoàn, có thể cứu mà không được châm. Bệnh sán khí, bụng dưới đau: có thể cứu”.
Ghi chú
Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.