Ý nghĩa tên gọi Huyệt Chi Chính đó là: Chi ở đây là lạc mạch; Chính = Kinh chính, tức là kinh Tiểu Trường. Chi Chính là Lạc Huyệt của kinh Tiểu trường, nơi lạc mạch tách ra để nhập vào kinh thủ Thiếu Âm Tâm kinh, vì vậy gọi là Chi Chính (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Chi Chánh.
Xuất xứ
Thiên ‘Kinh Mạch’(Linh Khu 10).
Đặc tính
- Huyệt thứ 7 của kinh Tiểu Trường.
- Huyệt Lạc của kinh Tiểu Trường.
- Huyệt kiểm soát phần sâu của kinh Tiểu Trường (theo thiên Tạp Bệnh (Linh Khu 26).
Vị trí huyệt chi chính
Tại sát bờ sau xương trụ, cách cổ tay 5 thốn, trên đường nối huyệt Dương Cốc và huyệt Tiểu Hải.
Giải phẫu
- Dưới da là khe giữa cơ trụ trước và cơ trụ sau, chỗ bám vào xương của cơ duỗi riêng ngón tay trỏ và cơ gấp chung sâu các ngón tay xương trụ.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ và dây thần kinh quay.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng huyệt chi chính
Thanh thần chí, giải biểu nhiệt, sơ tà khí ở kinh.
Chủ trị
Trị khuỷu tay đau, cánh tay đau, ngón tay và cổ tay sưng đau, thần kinh suy nhược, lo sợ.
Châm cứu huyệt chi chính
Châm thẳng, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trì (Đtr 11) + Ngư Tế (P 10) + Thiếu Hải (Tm.3) + Uyển Cốt (Ttr 4) trị nói bậy (Thiên Kim Phương).
2. Phối Dương Khê (Đtr 5) + Nội Quan (Tb 6) trị kinh sợ, tay không dơ lên được (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Tam Tiêu Du (Bq 22) trị chóng mặt, đầu đau (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Phi Dương (Bq 58) trị hoa mắt (Bách Chứng Phú).
5. Phối Khúc Trì (Đtr 11) trị khuỷu tay đau, cánh tay đau, ngón tay đau không co bóp lại được (Châm cứu Học Thượng Hải).