HomeĐông YHuyệt Chí Thất

Huyệt Chí Thất

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Chí Thất đó là: Chí = Nơi để tâm trí vào, chủ về ý chí. Thất = căn phòng nhỏ. Huyệt ở ngang với Thận (Thận Du), theo YHCT, Thận chủ Ý Chí, vì vậy gọi là Chí Thất, theo YHCT Thận tàng Tinh vì vậy huyệt này cũng được gọi là Tinh Cung (nhà chứa tinh).

Tên gọi khác

Chí Đường, Tinh Cung.

Xuất xứ

Giáp Ất Kinh.

Đặc tính

Huyệt thứ 52 của kinh Bàng Quang.

Vị trí huyệt chí thất

Dưới gai sống thắt lưng 2, ngang ra 3 thốn, cách Thận Du 1,5 thốn.

Vị trí huyệt chí thất

Giải phẫu

  • Dưới da là cơ lưng to, cơ răng cưa bé sau – dưới, cơ chậu sườn – thắt lưng, cân lưng – thắt lưng, cơ vuông thắt lưng, niệu quản.
  • Thần kinh vận động cơ là nhánh đám rối cánh tay, nhánh của dây sống thắt lưng 2.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.

Tác dụng huyệt chí thất

Bổ Thận, ích tinh, lợi tiểu, thẩm thấp.

Chủ trị

Trị lưng và vùng thắt lưng cứng đau, tiểu tiện rối loạn, Thận viêm, suy nhược sinh dục, liệt dương, di mộng tinh, phù thũng.

Châm cứu huyệt chí thất

Châm thẳng 0,5 – 0,8 thốn. Khi trị vùng lưng bị tổn thương hoặc thận bị sa xuống thì châm xiên hướng về huyệt Thận Du. Cứu 5 – 7 tráng. Ôn cứu 10 – 20 phút.

Phối hợp huyệt chí thất

1. Phối Kinh Môn (Đ 25) trị lưng đau (Thiên Kim Phương).

2. Phối Bào Hoang (Bq 53) trị tử cung sa xuống, âm đạo sưng đau (Tư Sinh Kinh).

3. Phối Cao Hoang (Bq 43) + Thận Du (Bq 23) trị di mộng tinh (Châm cứu Học Thượng Hải).

4. Phối Mệnh Môn (Đc 4) + Thận Du (Bq 23) + ủy Trung (Bq 40) trị thắt lưng đau (Châm cứu Học Thượng Hải).

5. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Thận Du (Bq 23) trị Thận đau quặn (bão thận) (Châm cứu Học Thượng Hải).

6. Phối Bàng Quang Du (Bq 28) + Thái Khê (Th 3) trị Thận bị sa xuống (Châm cứu Học Thượng Hải).

7. Phối Ân Môn (Bq 34) + Quan Nguyên Du (Bq 26) trị tổ chức mềm ở vùng lưng bị tổn thương (Châm cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

“Thắt lưng cột sống đau, hạ sườn đầy tức, bụng dưới co cứng: dùng Chí thất làm chính” (Giáp Ất Kinh).

“Tiểu gắt, thất tinh: chọn Chí Thất” (Bị Cấp Cứu Pháp).

“Những người Thận khí suy yếu, ấn vào huyệt này có cảm giác đau tức nhưng dễ chịu” (Châm cứu Chân Tuỷ).

Ghi chú

Không châm quá sâu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất