Ý nghĩa tên gọi Huyệt Chương Môn đó là: Chương = chướng ngại; Môn = khai thông. Huyệt là hội của Tạng, là cửa cho khí của 5 tạng xuất nhập, vì vậy gọi là Chương Môn (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Lặc Liêu, Quý Lặc, Trường Bình.
Xuất xứ
Sách Mạch Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 13 của kinh Can.
- Huyệt Hội của Tạng.
- Huyệt Mộ của kinh Tỳ.
- Huyệt chẩn đoán bệnh ở Thái Âm [Phế + Tỳ] (Manaka).
Vị trí huyệt chương môn
Ở đầu xương sườn tự do thứ 11.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, đầu xương sườn 11, phúc mạc, bờ dưới gan hoặc lách, đại trường lên hoặc xuống.
- Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới cùng và dây thần kinh bụng–sinh dục.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D10.
Tác dụng huyệt chương môn
Hóa tích trệ ở trung tiêu, trợ vận hóa, tán hàn khí ở ngũ tạng.
Chủ trị
Trị vùng hông sườn đau, tiêu hóa kém, tiêu chảy, gan viêm, lách viêm.
Châm cứu huyệt chương môn
Châm thẳng hoặc xiên, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3–5 tráng. Ôn cứu 5–10 phút.
Phối hợp huyệt chương môn
1. Phối Nhiên Cốc (Th 2) trị thạch thủy (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Uyên Dịch (Đ 22) trị mã đao, mụn nhọt (Giáp Ất Kinh).
3. Phối Dương Giao (Đ 35) + Thạch Môn (Nh 5) trị bôn đồn, khí nghịch lên (Thiên Kim Phương).
4. Phối Cách Du (Bq 17) + Thượng Quản (Nh 13) trị nôn ra thức ăn (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
5. Phối Thứ Liêu (Bq 32) trị eo lưng đau không xoay trở được (Châm cứu Tụ Anh).
6. Phối Chiếu Hải (Th 6) + Thái Bạch (Ty 3) trị táo bón (Châm cứu Đại Thành).
7. Phối Thái Bạch (Ty 3) trị táo bón (Châm cứu Đại Thành).
8. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Ủy Trung (Bq 40) trị thương hàn mà hông sườn đau (Châm cứu Đại Thành).
9. Phối Cách Du (Bq 17) + Đại Đôn (C 1) + Liệt Khuyết (P 7) + Tam Tiêu Du (Bq 22) + Thận Du (Bq 23) + Tỳ Du (Bq 20) trị tiểu ra máu (Loại Kinh Đồ Dực).
10. Phối Trung Quản (Nh 12) trị bỉ khí lâu ngày không tiêu ở trẻ nhỏ (Vệ Sinh Bảo Giám).
11. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Thực Độc ((Ty 17) trị hông sườn đau (Châm cứu Học Thượng Hải).
12. Phối Thiên Xu (Vi 25) trị nuốt chua (Châm cứu Học Thượng Hải).
13. Phối Quan Nguyên (Nh 4) + Thận Du (Bq 23) + Thiên Xu (Vi 25) trị kiết lỵ (Châm cứu Học Thượng Hải).
14. Phối Bỉ Căn + Kỳ Môn (C 14) + Vị Du (Bq 19) trị giun móc, gan và lách sưng to (Châm cứu Học Thượng Hải).
15. Phối Tỳ Du (Bq 20) + Thiên Xu (Vi 25) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ruột viêm mạn (Châm cứu Học Thượng Hải).
Tham khảo
“Nếu Khí tích ở vùng ngực và bụng gây đầy trướng, hơi thở suyễn, khí nghịch lên trên, nên châm tả các huyệt Đại Nghênh, Thiên Đột, Hầu Trung (Liêm Tuyền)… và huyệt nằm bên dưới sườn cụt 1 thốn là huyệt Chương Môn” (Linh Khu 59, 8).
“Tả Chương Môn có tác dụng sơ Can, hòa Đởm; Bổ Chương Môn có tác dụng kiện Tỳ, ích Vị; Phối hợp với cứu ngải có tác dụng kiện Tỳ thổ” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Chương môn là cửa ngõ nơi khí của ngũ tạng và các kinh giao nhau, ra vào, vì vậy gọi là Chương Môn” (Hội Nguyên).
Ghi chú
- Không châm sâu vì có thể vào gan (bên phải) và lách (bên trái).
- Người có bệnh huyết áp cao, bấm vào huyệt Chương Môn và Kinh Môn thường thấy đau (Châm cứu Học Từ Điển).