Ý nghĩa tên gọi Huyệt Công Tôn đó là: Người xưa cho rằng chư hầu là công tôn. Tỳ là nơi nối kết và phân chia các mạch, vì vậy gọi là Công Tôn (Trung Y Cương Mục).
Tỳ ở trung ương, rót ra 4 bên. có vua ở trung ương, ban phát lệnh ra 4 phương cho quần thần (công tôn), vì vậy gọi là Công Tôn (Trung Y Tạp Chí số 11, 1962).
Xuất xứ
Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).
Đặc tính
- Huyệt thứ 4 của kinh Tỳ.
- Huyệt Lạc.
- Huyệt giao hội với Mạch Xung (bát mạch giao hội)
- Huyệt đặc biệt để châm trong những bệnh của Vị: nôn mửa liên tục và bụng đau.
Vị trí huyệt công tôn
Ở chỗ lõm, nơi tiếp nối của thân và đầu sau xương bàn chân 1. Trên đường tiếp giáp da gan chân – mu chân, ở bờ trong bàn chân. Từ đỉnh cao nhất của xương mu bàn chân kéo xuống ngay dưới lõm xương.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ dạng ngón chân cái, cơ gấp ngắn ngón chân cái, gân cơ gấp dài ngón chân cái, mặt dưới đầu xương bàn chân 1.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây chầy sau.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng huyệt công tôn
Ích Tỳ Vị, lý khí cơ, hòa Mạch Xung, điều huyết hải.
Chủ trị
Trị gan bàn chân nóng hoặc đau, dạ dày đau do rối loạn thần kinh, ruột viêm.
Châm cứu huyệt công tôn
Châm thẳng, hướng tới huyệt Dũng Tuyền, sâu 0,5 – 1 thốn. Cứu 3 –5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Chiên Trung (Nh 17) + Phong Long (Vi 40) + Trung Khôi trị nôn mửa đờm dãi (Châm cứu Đại Toàn).
2. Phối Hạ Quản (Nh 10) + Thiên Xu (Vi 25) trị lỵ cấp hậu trọng (Châm cứu Đại Toàn).
3. Phối Giải Khê (Vi 41) + Trung Quản (Nh 12) + Tam Lý [Túc] (Vi 36) trị dạ dầy đau (Châm cứu Đại Toàn).
4. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Chương Môn (C 13) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) trị hạ sườn đau (Châm cứu Đại Toàn).
5. Phối Lệ Đoài (Vi 45) + Nội Đình (Vi 44) trị sốt rét lâu ngày không ăn được (Châm cứu Đại Thành).
6. Phối Xung Dương (Vi 42) + Túc Tam Lý (Vi 36) [cứu] trị cước khí (Châm cứu Đại Thành).
7. Phối Bách Lao + Chí Dương (Đc 10) + Trung Quản (Nh 120 + Túc Tam Lý (Vi 36) + Uyển Cốt (Ttr 4) trị hoàng đản mà tay chân đều sưng, mồ hôi ra vàng cả áo (Châm cứu Đại Thành).
8. Phối Thân Mạch (Bq 62) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị chân yếu không có sức (Châm cứu Đại Thành).
9. Phối Nội Quan (Tb 6) trị bụng đau (Tịch Hoằng Phú).
10. Phối Chí Dương (Đc 10) + Tỳ Du (Bq 20) + Vị Du (Bq 19) trị hoàng đản (Thần Cứu Kinh Luân).
11. Phối Nội Đình (Vi 44) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị Tỳ hư, bụng trướng (Thần Cứu Kinh Luân).
12. Phối Chí Dương (Đc 10) + Đởm Du (Bq 19) + Thần Môn (Tm.7) + Tiểu Trường Du (Bq 27) + Ủy Trung (Bq 40) + Uyển Cốt (Ttr 4) trị tửu đản, cả người đều vàng (Châm cứu Tập Thành).
13. Phối Nội Quan (Tb 6) trị bụng đau (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
14. Phối Thúc Cốt (Bq 65) + Bát Phong trị chân tê, chân đau (Trung Quốc Châm cứu Học Khái Yếu).
15. Phối Nội Quan (Tb 6) + Tề Biên Tứ Huyệt trị trường vị viêm cấp, mạn tính (Châm cứu Học Thượng Hải).
16. Phối Dũng Tuyền (Nh1) + Nhiên Cốc (Th 2) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Lương Khâu (Vi 34) trị phong cùi (Châm cứu Học Thượng Hải).
17. Phối Nội Đình (Vi 44) + Nội Quan (Tb 6) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị xuất huyết đường tiêu hóa (Châm cứu Học Thượng Hải).
18. Phối châm xuyên đến Dũng Tuyền (Th 1) trị bụng đau cấp, nôn mửa (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
19. Phối Túc Tam Lý (Vi 36) + Tứ Phùng có tác dụng tiêu thực, hóa trệ, hòa Vị, giáng nghịch (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
20. Phối Nội Quan (Tb 6) + Thái Xung (C 3) có tác dụng sơ Can, lý khí, hòa Vị, giáng nghịch (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
Tham khảo
“Biệt của túc Thái Âm là Công Tôn… bệnh thực thì trong ruột bị đau nhức” (Linh Khu 10, 169)
“Công Tôn trị bụng trướng, tâm thống” (Thần Nông Kinh).
“Hoắc loạn: Công Tôn chủ trị’ (Giáp Ất Kinh).
“Bụng đau trị bằng huyệt Công Tôn là tuyệt diệu” (Tịch Hoằng Phú).
“Bụng đầy, Tâm phiền muộn, ý không vui, sợ người, sợ lửa, sợ ánh sáng, tai nghe có tiếng động ở chỗ khác là trong lòng sợ sệt, chảu máu mũi, môi lệch, giống như bị sốt rét, như muốn bỏ quần áo chạy rông vì trong người nóng, đờm nhiều, khí làm cho ngực và chân đau nhức liên tục: châm huyệt Xung Dương và Công Tôn thì khỏi ngay” (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết).
Ghi chú
Ngất xỉu: dùng ngón tay cái đấm mạnh vào huyệt Công Tôn (Bí Thuật Hồi Sinh của Nhật).