Ý nghĩa tên gọi Huyệt Cưu Vĩ đó là: Đỉnh xương ức giống như đuôi con chim ban (cưu), huyệt ở tại vị trí này, vì vậy gọi là huyệt Cưu Vĩ (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Hạt Cán, Vĩ Ế.
Xuất xứ
Thiên ‘Cửu Châm Thập Nhị Nguyên’ (Linh Khu 1).
Đặc tính
- Huyệt thứ 15 của mạch Nhâm.
- Huyệt Lạc nối với mạch Đốc.
Vị trí huyệt cưu vĩ
Ở sát đầu mũi ức, chỗ đầu trên của đường trắng, dưới mũi ức 0,5 thốn.
Giải phẫu
- Huyệt ở sát đầu mũi ức, chỗ đầu trên của đường trắng. Sau thành bụng là thùy gan trái.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.
Tác dụng huyệt cưu vĩ
Định thần, làm giãn lồng ngực.
Chủ trị
Trị bụng trên đau, ngực đau tức, nấc, khó thở, động kinh, cuồng, tâm thần, suyễn.
Châm cứu huyệt cưu vĩ
Châm xiên, mũi kim hơi hướng xuống dưới, sâu 0,5 – 1 thốn. Cứu 10 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Hậu Khê (Ttr 3) + Thần Môn (Tm7) trị động kinh [ngũ giản] (Thắng Ngọc Ca).
2. Phối Thiếu Thương (P 11) + Trung Quản (Nh 12) trị ăn uống không vào, động kinh (Châm cứu Đại Thành)
3. Phối Đại Chùy (Đc 14) + Gian Sử (Tb 5) + Phong Long (Vi 40) + Yêu Kỳ trị bế chứng (Tứ Bản Giáo Tài Châm cứu Học)
4. Phối Cự Khuyết (Nh 14) + Thượng Quản (Nh 13) + Trung Quản (Nh 12) trị cuồng (Châm cứu Học Thượng Hải).
Ghi chú
Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy đến chỗ đau.
Châm sâu có thể vào gan gây xuất huyết bên trong.