HomeĐông YHuyệt Hậu Khê

Huyệt Hậu Khê

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Hậu Khê đó là: Khi gấp ngón tay vào bàn tay, sẽ lộ rõ đường chỉ tâm đạo (giống như khe suối = khê), huyệt ở cuối (sau = hậu) của đường văn này, vì vậy gọi là Hậu Khê.

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

  • Huyệt thứ 3 của kinh Tiểu Trường.
  • Huyệt Du, Thuộc Mộc.
  • Huyệt Bổ của kinh Tiểu Trường.
  • Huyệt giao hội với Đốc Mạch.

Vị trí huyệt hậu khê

Chỗ lõm phía sau khớp xương ngón và bàn của ngón thứ 5, ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, nơi tiếp giáp da gan tay – mu tay.

Vị trí huyệt hậu khê

Giải phẫu

  • Dưới da là cơ dạng ngón tay út, bờ trong cơ gấp ngắn ngón tay, cơ đối ngón út, bờ trong đầu dưới xương bàn tay thứ 5.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh trụ.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.

Tác dụng huyệt hậu khê

Thanh thần trí, cố biểu, giải nhiệt, thư cân.

Chủ trị

Trị cổ gáy đau cứng, đầu đau, lưng đau, tai ù, điếc, chi trên liệt, động kinh, sốt rét, ra mồ hôi trộm.

Châm cứu huyệt hậu khê

Châm thẳng 0,5 – 1 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.

Phối hợp huyệt:

1. Phối Đại Trữ (Bq 11) + Đào Đạo (Đc 13) + Khổng Tối (P 6) + Thiên Đột (Nh 22) trị đầu đau (Bị Cấp Thiên Kim Phương).

2. Phối Âm Khích (Tm 6) trị mồ hôi trộm (Châm Cứu Tụ Anh).

3. Phối Dương Trì (Ttu 4) + Giải Khê (Vi 41) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Lệ Đoài (Vi 45) + Phong Trì (Đ 20) trị thương hàn mà mồ hôi không ra (Châm Cứu Tụ Anh).

4. Phối Hợp Cốc (Đtr 4) trị đờm (Châm Cứu Đại Thành).

5. Phối Bá Lao + Gian Sử (Tb.5) + Khúc Trì (Đtr 11) trị lạnh nhiều nóng ít (Châm Cứu Đại Thành).

6. Phối Lao Cung (Tb.8) trị hoàng đản (Bách Chứng Phú).

7. Phối Hoàn Khiêu (Đ 30) trị đùi vế đau (Bách Chứng Phú).

8. Phối Cưu Vĩ (Nh 15) + Thần Môn (Tm 7) trị ngũ giản (Thắng Ngọc Ca).

9.Phối Liệt Khuyết (P 7) trị ngực, cổ đau (Châm Cứu Đại Toàn).

10. Phối Phong Phủ (Đc 16) + Thừa Tương (Nh 24) trị gáy cứng (Y Học Cương Mục).

11. Phối Bát Tà + Tam Gian (Đtr 3) trị tay và bàn tay tê đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

12. Phối Đại Chùy (Đc 14) + Gian Sử (Tb.5) trị sốt rét cách nhật (Châm Cứu Học Thượng Hải).

13. Phối Phong Phủ (Đc 16) trị đầu, cổ đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

14. Phối Đại Chùy (Đc 14) + Điều Khẩu (Vi 38) thấu Thừa Sơn (Bq 57) + Nhân Trung (Đc 26) trị vùng lưng vai nóng rát (Châm Cứu Học Thượng Hải).

15. Phối A Thị Huyệt + Ân Môn (Bq 37) + Huyệt tương ứng 2 bên cột sống, trị té ngã hoặc lao động làm tổn thương vùng lưng (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

“Châm cứu huyệt Hậu Khê sẽ có tác dụng làm cường tráng nội tạng. Vì nếu Thận và Tiểu Trường tương thông, nhân đó nó có thể giải trừ được uất nhiệt của Tiểu Trường. Ngoài ra, nó còn trừ được nhiệt của Thận” (Kinh Huyệt Chi Vận Dụng).

“Hậu Khê + Thân Mạch làm thông Đốc Mạch và Dương Kiều Mạch, làm thông vùng mắt, bên đầu, gáy, tai, sau vai, tiểu trường, bàng quang. 2 huyệt phối hợp trị bệnh ở đầu gáy, tai, mắt, sau vai, lưng và thắt lưng” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

“Trị tai giữa viêm có mủ, vùng tai đau: châm tả huyệt Hậu Khê, thấy vùng trước và sau tai hết đau (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất