Ý nghĩa tên gọi Huyệt Hiệp Khê đó là: Huyệt ở khe (giống hình cái suối = khê) nơi ngón chân 4 và 5 giao nhau (họp lại = hiệp), vì vậy gọi là Hiệp Khê.
Xuất xứ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
Đặc tính
- Huyệt thứ 43 của kinh Đởm.
- Huyệt Vinh, thuộc hành Thủy.
- Huyệt Bổ của kinh Đởm.
Vị trí huyệt hiệp khê
Khe giữa xương bàn chân ngón thứ 4 và 5, huyệt nằm ở đầu kẽ giữa 2 ngón chân, phía trên mu chân.
Giải phẫu
- Dưới da là khe giữa các gân duỗi các ngón 4 và 5 của cơ duỗi dài các ngón chân, gân duỗi ngón 4 của cơ duỗi ngắn các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đốt 1 của các xương ngón chân 4 và 5.
- Thần kinh vận động cơ và các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau.
- Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.
Tác dụng huyệt hiệp khê
Thanh nhiệt, tức phong, chỉ thống.
Chủ trị
Trị đầu đau, tai điếc, chóng mặt, tay chân lạnh do rối loạn khí, thần kinh gian sườn đau, ngực tức.
Châm cứu huyệt hiệp khê
Châm thẳng 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 1 – 3 tráng. Ôn cứu 3 – 5 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Dương Phụ (Đ 38) + Thái Xung (C 3) trị nách sưng (Thiên Kim Phương).
2. Phối Tất Dương Quan (Đ 33) trị gối sưng đau (Thiên Kim Phương).
3. Phối Giáp Xa (Vi 6) + Hòa Liêu (Đtr 19) trị hàm và má sưng (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Hạ Cự Hư (Vi 39) + Nhũ Căn (Vi 18) + Thần Phong (Th 23) + Thiên Khê (Ty 18) + Túc Lâm Khấp (Đ 41) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Ưng Song (Vi 16) trị nhũ ung [vú sưng] (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Hạ Liêm (Đtr 8) + Ngư Tế (P 10) + Thiếu Trạch (Ttr 1) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Ủy Trung (Bq 40) trị nhũ ung [vú sưng] (Thần Cứu Kinh Luân).
6. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Dương Phụ (Đ 38) + Khiếu Âm (Đ 44) + Lâm Khấp (Đ 41) trị nhọt mọc từ bên của râu tóc (Ngoại Khoa Lý lệ).
Tham khảo
Thiên Mậu Thích viết: “Tà khí ở Lạc của kinh túc Thiếu Dương làm cho hông sườn đau không thể thở nổi, ho mà mồ hôi ra, thích ở huyệt Hiệp Khê. Về chứng Không thể thở nổi sẽ khỏi ngay, chứng mồ hôi ra sẽ hết ngay, còn chứng ho phải giữ ấm, bồi dưỡng bằng thức ăn có tính ôn. Bệnh bên phải thì châm bên trái và ngược lại (Tố Vấn 63, 50).