Ý nghĩa tên gọi Huyệt Hoàn Cốt đó là: Huyệt ở chỗ lõm sau mỏm trâm chõm, (giống hình xương (cốt) tròn (hoàn) vì vậy gọi là Hoàn Cốt.
Tên gọi khác
Hoàn Cốc.
Xuất xứ
Thiên ‘Khí Huyệt Luận’ (Tố Vấn 58).
Đặc tính
- Huyệt thứ 12 của kinh Đởm.
- Huyệt hội với kinh thủ Thái Dương và thủ Thiếu Dương.
Vị trí huyệt hoàn cốt
Ở chỗ lõm phía sau và dưới mỏm xương chũm, sát bờ sau cơ ức đòn chũm.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ ức – đòn – chũm, cơ gối đầu, cơ đầu dài, cơ trâm móng, cơ trâm lưỡi, cơ trâm hầu và cơ 2 thân.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh cổ 2, nhánh dây thần kinh chẩm lớn, nhánh dây thần kinh dưới chẩm, các nhánh của dây thần kinh sọ não số XII, IX và số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng huyệt hoàn cốt
Tỉnh não, khai khiếu, tán phong, thanh nhiệt.
Chủ trị
Trị răng đau, mặt sưng đau, mặt liệt, tai ù.
Châm cứu
Châm xiên 0,5 – 1 thốn. Cứu 1 – 3 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Thiên Đỉnh (Đtr 17) + Tiền Cốc (Ttr 3) trị cuống họng đau (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Liệt Khuyết (P 7) trị liệt mặt (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Bộc Tham (Bq 61) + Phi Dương (Bq 58) + Phục Lưu (Th 7) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Xung Dương (Vi 42) trị chân teo, chân tê, chân mất cảm giác.