Ý nghĩa tên gọi Huyệt Hoạt Nhục Môn đó là: Hoạt = trơn tru, Nhục: cơ nhục, Môn: cửa. Dương minh chủ nhục. Huyệt chủ về bệnh của trường vị mà thông lợi cửa (môn) của trường vị, vì vậy gọi là Hoạt Nhục Môn (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Hoạt Mục, Hoạt U Môn, Hượt Nhục Môn.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
Huyệt thứ 24 của kinh Vị.
Vị trí huyệt hoạt nhục môn
Trên rốn 1 thốn, cách đường giữa bụng 2 thốn, ngang huyệt Thủy Phân (Nh 9).
Giải phẫu
- Dưới da là cân cơ chéo to, cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai đến ngày sinh.
- Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.
Tác dụng huyệt hoạt nhục môn
An thần, định chí, điều hoà trường vị.
Chủ trị
Trị dạ dầy đau, tâm thần rối loạn, chóng mặt, nôn mửa.
Châm cứu
Châm thẳng 1 – 1,5 thốn, Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Thiếu Hải (Tm 3) + Ôn Lưu (Đtr 7) trị lưỡi cứng (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Phi Dương (Bq 58) + Thái Ất (Vi 23) trị điên cuồng le lưỡi (Phổ Tế Phương).
Ghi chú
Có thai nhiều tháng không châm.