HomeĐông YHuyệt Huyết Hải

Huyệt Huyết Hải

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Huyết Hải đó là: Huyệt được coi là nơi chứa (bể) huyết, vì vậy gọi là Huyết Hải.

Tên gọi khác huyệt huyết hải

Bách Trùng Oa, Bách Trùng Sào, Huyết Khích.

Xuất xứ

Giáp Ất Kinh.

Đặc tính

Huyệt thứ 10 của kinh Tỳ.

Vị trí huyệt huyết hải

Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 thốn, huyệt nằm trong khe lõm giữa cơ may và cơ rộng trong, ấn vào có cảm giác ê tức. Hoặc ngồi đối diện với bệnh nhân, bàn tay phải của thầy thuốc, đặt trên xương bánh chè bên trái của bệnh nhân, 4 ngón tay áp tại đầu gối, ngón cái ở phía trên đùi, chỗ đầu ngón cái là huyệt.

Vị trí huyệt huyết hải

Giải phẫu

  • Dưới da là khe giữa cơ may và cơ rộng trong, cơ rộng giữa xương đùi.
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh đùi. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng huyệt huyết hải

Điều huyết, thanh huyết, tuyên thông hạ tiêu.

Chủ trị

Trị kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết, phong ngứa, da viêm.

Châm cứu huyệt huyết hải

Châm thẳng, sâu 1–2 thốn. Cứu 3–5 tráng, Ôn cứu 5–10 phút.

Phối hợp huyệt

1. Phối Đái Mạch (Đ 26) trị kinh nguyệt không đều (Tư Sinh Kinh).

2. Phối Khí Hải (Nh 6) trị ngũ lâm (Linh Giang Phú).

3. Phối Địa Cơ (Ty 8) trị kinh nguyệt không đều (Bách Chứng Phú).

4. Phối Xung Môn (Ty 12) trị tích tụ, trưng hà (Bách Chứng Phú).

5. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Lương Khâu (Vi 34) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị khớp gối viêm (Châm Cứu Học Giản Biên).

6. Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trì (Đtr 11) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị ban sởi (Trung Quốc Châm Cứu Học).

7. Phối Cơ Môn (Ty 11) + Lệ Đoài (Vi 45) trị tuyến háng (bẹn) viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

8. Phối Khúc Trì (Đtr 11) + Liệt Khuyết (P 7) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị mề đay, phong ngứa (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

“Huyết Hải, Tam Âm Giao (Ty 6), Cách Du (Bq 17) là 3 huyệt chủ yếu trị về huyết, tuy nhiên có sự khác biệt:

Huyết Hải: trị bệnh huyết ở chi dưới.

Cách Du: trị bệnh huyết ở Tâm, Can, Phế, thiên về chữa huyệt ở nửa phần trên cơ thể, các bệnh xuất huyết mạn tính”

Tam Âm Giao: trị bệnh huyết ở toàn thân, thường dùng trị phụ nữ huyết có thấp” (Du Huyệt Công Năng Biệt Giám).

Ghi chú

Nếu ngộ châm hoặc châm quá sâu, làm cho người bệnh chóng mặt, ngất xỉu: rút kim ra ngay, rồi châm huyệt Túc Tam Lý (Vi 36) để giải cứu. Châm sâu 0,5 – 0,8 thốn, vê kim qua bên trái, bên phải (qua bên trái 10 giây, qua phải 30 giây), nghỉ 5 giây, rồi dùng thủ pháp ‘Chấn Thiên’, rút kim ra thì tỉnh.

Nếu châm huyệt Túc Tam Lý mà nghỉ quá lâu hoặc vì 1 lý do nào đó mà người bệnh run cả người lên thì nên châm huyệt Khúc Trì bên ngược lại để giải cứu, hoặc dùng ngón tay bấm mạnh và xoa huyệt Tiểu Hải (Ttr 8) thì sẽ tỉnh và hết run” (Danh Từ Huyệt Vị Châm Cứu).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất