Ý nghĩa tên gọi Huyệt Khâu Khư đó là: Huyệt ở ngay dưới lồi cao xương gót chân ngoài, giống hình cái gò mả (khâu), đống đất (khư), vì vậy gọi là Khâu Khư.
Tên gọi khác
Khâu Hư, Kheo Hư, Kheo Khư, Khưu Hư, Khưu Khư.
Xuất xứ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
Đặc tính
- Huyệt thứ 40 của kinh Đởm.
- Huyệt Nguyên.
Vị trí huyệt khâu khư
Ở phía trước và dưới mắt cá ngoài chân, nơi chỗ lõm của khe xương cạnh nhóm cơ duỗi dài các ngón chân, hoặc từ ngón chân thứ 4 kéo thẳng lên mắt cá gặp chỗ lõm hoặc lấy ở chỗ lõm giữa huyệt Thân Mạch (Bq 62) và huyệt Giải Khê (Vi 41), ấn vào thấy tức.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ duỗi ngắn các ngón chân, bờ sau – ngoài cơ mác trước, khe khớp xương hộp – thuyền – chêm 3.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.
Tác dụng huyệt khâu khư
Khu phong tà ở bán biểu bán lý, hóa thấp nhiệt.
Chủ trị
Trị cẳng chân đau, khớp mắt cá chân đau, ngực đầy tức.
Châm cứu huyệt khâu khư
Châm thẳng 0,5 – 1 thốn, đối diện với khớp trong mắt cá, lách mũi kim vào khe khớp. Cứu 1 – 3 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Đồng Tử Liêu (Đ 1) trị mắt có màng (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Trung Độc (Đ 32) trị sườn đau (Châm Cứu Đại Thành).
3. Phối Giải Khê (Vi 42) + Thương Khâu (Ty 5) trị lưng và đùi đau (Ngọc Long Ca).
4. Phối Kim Môn (Bq 63) trị chân bị vọp bẻ, chuột rút (Bách Chứng Phú).
5. Phối Côn Lôn (Bq 60) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị gót chân đau (Thắng Ngọc Ca).
6. Phối Tam Dương Lạc (Ttu 8) trị thần kinh liên sườn đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Tham khảo
“Khâu Khư, Dương Lăng Tuyền (Đ 34) và Đởm Du (Bq 19) có công hiệu khác nhau: cả 3 huyệt đều chữa bệnh về Đởm nhưng Dương Lăng Tuyền + Đởm Du thiên về chữa bệnh ở Đởm phủ còn Khâu Khư thiên về chữa bệnh ở kinh Đởm” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).
“Tả Khâu_Khư + Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Hành Gian (C 3) có tác dụng tả thực nhiệt ở Can Đởm, giống bài Long Đởm Tả Can Thang của sách Hòa Tễ Cục Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).