HomeĐông YHuyệt Khí Hải

Huyệt Khí Hải

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Khí Hải đó là: Khí = nguyên khí. Hải = biển. Huyệt là biển của nguyên khí bẩm sinh, khí ở đây trong tình trạng phong phú và phát triển nhất, là nguồn năng lượng cần thiết cung cấp cho sự sống. Đây là huyệt căn bản để bồi bổ cho cơ thể, vì vậy gọi là Khí Hải (Trung Y Cương Mục).

Tên gọi khác huyệt khí hải

Bột Ương, Đan Điền, Đơn Điền, Hạ Hoang.

Xuất xứ

Thiên ‘Ù Tứ Thời Khí’ (Linh Khu 19).

Đặc tính

Huyệt thứ 6 của mạch Nhâm.

Vị trí huyệt khí hải

Lỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn.

Vị trí huyệt khí hải

Giải phẫu

Huyệt ở trên đường trắng, sau đường trắng là mạc ngang, phúc mạc, vào sâu có ruột non khi không bí tiểu nhiều hoặc có thai còn nhỏ, có bàng quang khi bí tiểu nhiều, có tử cung khi thai 4 – 5 tháng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D11.

Tác dụng huyệt khí hải

Điều khí, ích nguyên, bồi Thận, bổ hư, hòa vinh huyết, lý kinh đới, ôn hạ tiêu, khử thấp trọc.

Chủ trị

Trị bụng và quanh rốn đau, bệnh về sinh dục, đường tiểu, kinh nguyệt, tiểu dầm, tiểu nhiều, chân khí hư, ngũ tạng hư, tay chân quyết lạnh, hư thoát, thần kinh suy nhược.

Châm cứu huyệt khí hải

Châm thẳng 0,5 – 1,5 thốn. Cứu 15 – 30 phút hoặc nhiều hơn.

Phối hợp huyệt

1. Phối Thạch Môn (Nh 5) trị băng lậu (Tư Sinh Kinh).

2. Phối Tam Tiêu Du (Bq 22) trị đới hạ (Tư Sinh Kinh).

3. Phối Trung Đô (C 6) trị sau khi sinh máu ra không dứt (Tư Sinh Kinh).

4. Phối Âm Giao (Nh 7) + Đại Cự (Ty 27) trị hành kinh không nằm được (Tư Sinh Kinh).

5. Phối Quan Nguyên (Nh 4) trị sinh xong máu dơ ra không cầm (Châm Cứu Đại Thành).

6. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) trị bạch trọc (Bách Chứng Phú).

7. Phối Toàn Cơ (Nh 21) trị suyễn (Ngọc Long Ca).

8. Phối Túc Tam Lý (Vi 36) trị ngũ lâm (Tịch Hoằng Phú).

9. Phối Thủy Phân (Nh 9) trị phù thũng (Tịch Hoằng Phú).

10. Phối Huyết Hải (Ty 10) trị ngũ lâm (Linh Quang Phú).

 

11. Phối Quan Nguyên (Nh 4) trị nấc cụt (Thọ Thế Bảo Nguyên).

12. Phối Địa Cơ (Ty 8) + Huyết Hải (Ty 10) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Trung Cực (Nh 3) trị kinh đến sau kỳ (Trung Hoa Châm Cứu Học).

13. Phối Quan Nguyên (Nh 4) + Thần Môn (Tm 7) trị trúng phong thuộc chứng thoát (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

14. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Trung Cực (Nh 3) trị thống kinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).

15. Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Phục Lưu (Th 7) + Thận Du (Bq 23) trị mồ hôi trộm (Châm Cứu Học Thượng Hải).

16. Phối Âm Giao (Nh 6) + Đại Đôn (C 1) trị thống kinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).

17. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Trung Cực (Nh 3) trị thống kinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).

18. Phối Duy Bào + Tam Âm Giao (Ty 6) trị tử cung sa (Châm Cứu Học Thượng Hải).

19. Phối Chi Câu (Ttu 6) + Đại Trường Du (Bq 25) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ruột tắc, liệt ruột (Châm Cứu Học Thượng Hải).

20. Phối Mệnh Môn (Đc 4) + Yêu Du (Đc 2) trị băng huyết (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

Tiểu bí không châm sâu. “Trị nấc cụt: cứu huyệt Khí Hải” (Thọ Thế Bảo Nguyên).

“Khí Hải chủ các loại bệnh thuộc khí, các chứng lạnh lâu ngày thuộc âm chứng, phong hàn, thử thấp, phù thũng, ngực đầy trướng, các loại trưng hà thuộc hư” (Y Tông Kim Giám).

“Thường phối huyệt Khí Hải với huyệt Thiên xu (Vi 25) vì huyệt Khí Hải là nơi tụ của Khí huyết. Là căn bản của sự hô hấp, là nơi chứa tinh, là biển sinh ra khí. Đó là huyệt chủ yếu của hạ tiêu.

Bổ huyệt này sẽ giúp ích cho chân tạng phục hồi được sinh khí, làm ấm hạ nguyên, làm mạnh cho Thận dương, giống như thêm củi vào dưới nồi, vì vậy nó nung đốt được nước trong Bàng quang, làm cho nước được khí hóa đi lên và phân bố ra toàn thân.

Huyệt Thiên Xu là huyệt Mộ của kinh Đại Trường, cũng là huyệt của kinh Vị, công hiệu đặc biệt của nó là một mặt phân tích thức ăn ra cặn bã, một mặt lọc những thứ dơ bẩn, đình trệ.

 

Dùng Thiên Xu phối hợp với huyệt Khí Hải để lấy tác dụng của Khí Hải làm tăng dương khí ở hạ tiêu mà đối địch với âm khí, lấy Thiên Xu để điều hòa khí ở Trường Vị, giúp cho sự vận hành được dễ dàng.

Do đó phối phương này có tài trị được các chứng như bụng lạnh, thoái vị, bôn đồn, dương khí thoát, thất tinh, âm nang co rút, quyết nghịch, đầy trướng, đau nhức, suyễn, tiểu không thông, kinh nguyệt không đều, băng huyết, đới hạ, có thai mà muốn sinh…

Ngoài ra, đối với các chứng hư lao, gầy ốm, hàn tích lâu ngày rất công hiệu” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

“Dùng X. Quang để quan sát khi châm các huyệt Khí Hải (Nh 6), Quy Lai (Vi 29), Tam Âm Giao (Ty 6), Trung Cực (Nh 3) thấy tử cung nhu động từ dưới lên trên, chất iod vào ống dẫn trứng tăng lên” (Bệnh Viện Nhân Dân VI Thượng Hải – Trung Quốc).

 

“ Huyệt Khí Hải, Quan Nguyên, Trung Cực và Âm Lăng Tuyền có công hiệu khác nhau: Huyệt Khí Hải là yếu huyệt về Nguyên khí, thường dùng trị nguyên khí bất túc. Huyệt Quan Nguyên chủ yếu về Dương khí, có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, ôn bổ nguyên dương, thường dùng khi chân dương bất túc. Huyệt Trung Cực là yếu huyệt về thủy khí, có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, nhiếp và lợi tiểu, thường dùng để thông nhiếp thủy đạo. Huyệt Âm Lăng Tuyền là yếu huyệt về thấp khí, có tác dụng vận hóa thủy thấp, kiện Tỳ, bổ hư, hành thấp, ôn Tỳ, thường dùng trong trường hợp Tỳ hư, thấp thịnh hoặc thấp ức chế Tỳ thổ (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).

“Khí Hải, Trung Quản và Đản Trung có công hiệu khác nhau: cả 3 huyệt đều có tác dụng điều khí. Đản trung có tác dụng sơ lợi khí cơ ở Tam tiêu, khai khí ở ngực, giáng khí, thông lạc; Khí Hải, có tác dụng sơ lợi khí cơ ở Hạ tiêu, bổ nguyên khí, hành khí, tán trệ; Trung Quản có tác dụng sơ lợi khí cơ ở Trung tiêu, bổ trung khí, hành khí, hòa trung (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).

Ghi chú

Có thai không châm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất