Ý nghĩa tên gọi Huyệt Kiên Trinh đó là: Kiên = vai; Trinh = bình thường. Khi vai đau hoặc khó nâng tay lên thì ấn đau ở huyệt Kiên trinh. Huyệt có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể để đẩy ngoại tà ra, tăng chức năng hoạt động của khớp vai và giúp vai trở lại bình thường, vì vậy gọi là Kiên Trinh (Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ
Thiên ‘Khí Huyết Luận’ (Tố Vấn 58)
Đặc tính
Huyệt thứ 9 của kinh Tiểu Trường.
Vị trí huyệt kiên trinh
Đặt cánh tay lên hông sườn, huyệt ở mặt sau vai, từ đầu chỉ nếp nách thẳng lên 1 thốn hoặc chỗ lõm ở giao điểm đường dọc từ Kiên Ngung (Đtr 15) xuống và đường ngang qua lằn sau nách, cách tuyến giữa lưng 6 thốn.
Giải phẫu
- Dưới huyệt là cơ Delta khe giữa cơ tròn to, cơ tròn bé, phần dài cơ 3 đầu cánh tay.
- Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh mũ, các nhánh dây thần kinh trên vai, nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D2.
Tác dụng huyệt kiên trinh
Sơ phong, hoạt lạc, tán kết, chỉ thống.
Chủ trị
Trị quanh khớp vai và tổ chức phần mềm quanh khớp vai đau, cánh tay đau, chi trên liệt, mồ hôi nách ra nhiều.
Châm cứu huyệt kiên trinh
Châm thẳng sâu 1 – 1,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Uyển Cốt (Ttr 4) trị tai ù (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Kiên Ngung (Đtr 15) + Quan Xung (Ttu 1) trị giữa vai nóng, đầu không thể xoay trở được (Thiên Kim Phương).
3. Phối Kiên Liêu (Ttr 14) + Kiên Ngung (Đtr 15) trị khớp vai viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
4. Phối Nhu Hội (Ttu 13) + Thiên Tuyền (Tb 2) trị khớp vai viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
5. Phối Kiên Ngoại Du (Ttr 14) + Thiên Tông (Ttr 11) trị vai đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
6. Phối Cảnh Tý + Khúc Trì (Đtr 11) trị chi trên liệt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Tham khảo
Thiên Thông Bình Hư Thực Luận viết: “Nhọt ở nách sốt cao: châm túc Thiếu Dương. Châm rồi mà không dứt sốt, châm thủ Tâm Chủ, thủ Thái Dương kinh lạc, Đại cốt chi hội [Kiên Trinh] (Tố Vấn 28, 49).