Ý nghĩa tên gọi Huyệt Kiên Trung Du đó là: Huyệt tác dụng rót (du) kinh khí vào vùng giữa (trung) vai (kiên) vì vậy gọi là Kiên Trung Du.
Tên gọi khác
Kiên Trung.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
Huyệt thứ 15 của kinh Tiểu trường.
Vị trí huyệt kiên trung du
Cách tuyến giữa lưng 2 thốn, ngang đốt sống cổ 7, trên đường nối huyệt Đại Chùy (Đc 14) và Kiên Tỉnh (Đ 21).
Giải phẫu
- Dưới da là cơ thang, cơ góc, cơ răng bé sau – trên, cơ chậu sườn đoạn lưng cổ, cơ ngang sườn, cơ gian mỏng ngang.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sọ não số XI. Nhánh đám rối cổ sâu, nhánh dây chẩm lớn. Nhánh dây sống cổ và nhánh dây gian sườn số 1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
Tác dụng huyệt kiên trung du
Tuyên Phế, thanh nhiệt, hoá đờm, minh mục.
Chủ trị
Trị vai đau, lưng và cổ gáy cứng, suyễn, khí quản viêm.
Châm cứu
Châm xiên 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Khúc Viên (Ttr 13) + Nhu Hội (Ttu 13) + Thiếu Hải (Tm 3) trị thần kinh quanh vai viêm, đau (Trung Quốc Châm Cứu Học).
2. Phối Đại Trữ (Bq 11) + Kiên Ngoại Du (Ttr 14) trị thần kinh quanh vai đau (Trung Quốc Châm Cứu Học).
3. Phối Chi Câu (Ttu 6) + Đại Chùy (Đc 14) + Kiên Tỉnh (Đ 20) trị vai lưng đau (Châm Cứu Học Giản Biên).
4. Phối Nội Quan (Tb 6) + Phế Du (Bq 13) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị phế quản viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
5. Phối Chí Dương (Đc 9) + Khổng Tối (P 6) + Thân Trụ (Đc 12) trị khí quản dãn (Châm Cứu Học Thượng Hải).