Ý nghĩa tên gọi Huyệt Kinh Môn đó là: Kinh = to lớn, ý chỉ điều quan trọng. Môn = cửa. Huyệt là huyệt Mộ của kinh Thận, chủ trị thủy đạo không thông, mà thủy đạo là 1 cái cửa, vì vậy gọi là Kinh Môn (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Khí Du, Khí Phủ.
Xuất xứ
Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).
Đặc tính
- Huyệt thứ 25 của kinh Đởm.
- Huyệt Mộ của kinh Thận.
Vị trí huyệt kinh môn
Ngang vùng bụng, huyệt ở bờ dưới đầu xương sườn tự do thứ 12.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, đầu cụt xương sườn 12, mạc ngang, phúc mạc, thận.
- Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.
Tác dụng huyệt kinh môn
Ôn Thận hàn, giáng Vị khí, dẫn thủy thấp.
Chủ trị
Trị thần kinh liên sườn đau, bụng đầy, vùng bụng đau, Thận viêm.
Châm cứu huyệt kinh môn
Châm thẳng 0,5 – 1 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Hành Gian (C 2) trị lưng đau (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Nhiên Cốc (Th 2) trị tiêu phân sống (Thiên Kim Phương).
3. Phối Thạch Quan (Th 18) trị cột sống lưng đau như gẫy (Thiên Kim Phương).
4. Phối Lãi Câu (C 5) + Trung Phong (C 4) trị bụng dưới đau (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Chiếu Hải (Th 6) trị tiểu vàng, tiểu không thông (Tư Sinh Kinh).
6. Phối Chương Môn (C 13) + Thiên Xu (V.25) trị các loại sán khí, thoát vị (Châm Cứu Học Thượng Hải).
7. Phối Bàng Quang Du (Bq 28) + Thận Du (Bq 23) + ủy Trung (Bq 40) trị lưng đau (Châm Cứu Học Giản Biên).