Ý nghĩa tên gọi Huyệt Kỳ Môn đó là: Kỳ = chu kỳ. Trong cơ thể con người, 12 kinh mạch, khí huyết bắt đầu từ huyệt Vân Môn, lưu chú và kết ở huyệt Kỳ Môn. Vì huyệt nằm ở cuối chu kỳ nên gọi là Kỳ Môn (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Can Mộ.
Xuất xứ
Thương Hàn Luận.
Đặc tính
- Huyệt thứ 14 của kinh Can.
- Huyệt Mộ của kinh Can.
- Huyệt hội với Âm Duy Mạch, túc Thái Âm và túc Quyết Âm.
- Nhận một mạch của kinh Tỳ.
Vị trí huyệt kỳ môn
Huyệt nằm trên đường thẳng ngang qua đầu ngực, trong khoảng gian sườn (của sườn) thứ 6 – 7.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ chéo to của bụng, các cơ gian sườn 6, bên phải là gan, bên trái là lách.
- Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh gian sườn 6. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C5.
Tác dụng huyệt kỳ môn
Thanh huyết nhiệt, điều hòa bán biểu bán lý, hóa đờm, tiêu ứ, bình can, lợi khí.
Chủ trị
Trị màng ngực viêm, gan viêm, ngực đau, thần kinh liên sườn đau.
Châm cứu huyệt kỳ môn
Châm xiên hoặc luồn kim dưới da, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 7 tráng, Ôn cứu 5 – 15 phút.
Phối hợp huyệt kỳ môn
1. Phối Hiệp Bạch (P 4) + Thiên Đột (Nh 22) + Trung Xung (Tb 9) + Trường Cường (Đc 1) trị tâm thống, hụt hơi (Thiên Kim Phương).
2. Phối Khuyết Bồn (Vi 12) trị giữa ngực nóng, dưới sườn tức hơi (Thiên Kim Phương).
3. Phối Khí Hải (Nh 6) + Khúc Trì (Đtr 11) trị thương hàn phát cuồng (Châm Cứu Đại Thành).
4. Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ruột sôi, vùng dạ dày, ruột bị đầy trướng (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Đại Lăng (Tb 7) + Đàn Trung (Nh 17) + Lao Cung (Tb 8) trị thương hàn mà hông sườn đau (Châm Cứu Đại Thành).
6. Phối Ôn Lưu (Đtr 7) trị thương hàn làm cho cổ cứng (Bách Chứng Phú).
7. Phối Đại Đôn (C 1) trị thoát vị, sán khí (Ngọc Long Ca).
8. Phối Tam Lý (Vi 36) trị thương hàn không ra mồ hôi (Thiên Tinh Bí Quyết).
9. Phối Gian Sử (Tb 5) + Thiên Đột (Nh 22) trị khan tiếng (Thần Cứu Kinh Luân).
10. Phối cứu Đản Trung (Nh 17) + Trung Quản (Nh 12) trị nấc (Y Học Cương Mục).
11. Phối Nội Quan (Tb 6) + Thái Xung (C 3) trị ngực và hoành cách mô đau (Châm Cứu Toàn Thư).
12. Phối Thiên Phủ (P 3) trị gan viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
13. Phối Trường Cường (Đc 1) + Tỳ Du (Bq 20) trị gan viêm, vàng da cấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
14. Phối cứu Túc Tam Lý (Vi 36) trị nấc cụt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
15. Phối Cách Du (Bq 17) + Can Du (Bq 18) trị thần kinh liên sườn đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
16. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Trung Phong (C 4) trị gan viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
17. Phối Chi Câu (Ttu 6) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Thái Xung (C 3) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị hông sườn đau loại thực chứng (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Tham khảo
“Thương hàn bỉ kết, hông tích đau, nên dùng huyệt Kỳ Môn hiệu quả sâu” (Trửu Hậu Ca).
“Sản hậu ách nghịch: cứu Kỳ Môn 3 tráng, chỗ lõm thẳng dưới vú một ngón tay” (Chứng Trị Chuẩn Thằng).
“Ách nghịch không cầm: chọn Kỳ Môn, Trung Quản (Nh 12), Đản Trung [Nh.17] (Vạn Bệnh Hồi Xuân).
Ghi chú
Không châm sâu vì dưới là gan (bên phải) và kết trường ngang, đáy dạ dầy (bên trái).