Ý nghĩa tên gọi Huyệt Lệ Đoài đó là: Lệ ở đây hiểu là đá mài hoặc phần trên cao; Đoài ý chỉ đỉnh thẳng. Huyệt ở thẳng phần trên ngón chân vì vậy gọi là Lệ Đoài (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác huyệt lệ đoài
Thần Thượng Đoan, Tráng Cốt.
Xuất xứ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
Đặc tính
- Huyệt thứ 45 của kinh Vị.
- Huyệt Tỉnh, thuộc hành Kim.
- Huyệt Tả của kinh Vị.
- Do huyệt Kim sinh Thủy nên được dùng trong bệnh nhiệt bốc lên phần trên thân thể. Huyệt này có tác dụng dẫn nhiệt xuống phần dưới cơ thể.
Vị trí huyệt lệ đoài
Ở phía ngoài góc ngoài móng chân ngón thứ 2, cách chân móng 0,1 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân – mu chân.
Giải phẫu
Dưới da là xương đốt 3 ngón chân thứ 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng huyệ lệ đoài
Sơ tiết tà nhiệt ở kinh Dương Minh, thông kinh lạc, hòa Vị, thanh thần chí.
Chủ trị
Trị mất ngủ, răng đau, chảy máu cam, sốt cao, bàn chân lạnh.
Châm cứu huyệt lệ đoài
Thẳng hoặc xiên 0,1 – 0,2 thốn. Cứu 1 – 3 tráng, Ôn cứu 3 – 5 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Kinh Cốt (Bq.64) + Tiền Cốc (Ttr 2) trị mũi không thông, mũi chảy nước vàng (Thiên Kim Phương).
2. Phối Điều Khẩu (Vi.38) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị khó ngủ do kinh bị hàn (Thiên Kim Phương).
3. Phối Nội Đình (Vi.44) trị sốt rét, sợ lạnh ăn kém (Thiên Kim Phương).
4. Phối Nội Đình (Vi.44) + Thiên Xu (Vi.25) trị biếng ăn, ăn không tiêu (Thiên Kim Phương).
5. Phối Đại Đôn (C.1) trị thích ngủ (Tư Sinh Kinh).
6. Phối Ẩn Bạch (Ty.1) trị mơ nhiều (Châm Cứu Tụ Anh).
7. Phối Dương Trì (Ttu 4) + Giải Khê (Vi.41) + Hậu Khê (Ttr 3) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Phong Trì (Đ.20) trị thương hàn mà mồ hôi không ra (Châm Cứu Tụ Anh).
8. Phối Giải Khê (Vi.41) + Hãm Cốc (Vi.43) + Nội Đình (Vi.44) + Xung Dương (Vi.42) trị mụn nhọt mọc ở râu, quanh miệng (Ngoại Khoa Lý Lệ).
Tham khảo
“Huyệt Lệ Đoài chủ chứng ‘thi quyết’, cấm khẩu, khí tuyệt, mạch vẫn động nhưng cơ thể thì không còn biết gì nữa” (Ngoại Đài Bí Yếu). “Vị bị thực: châm tả huyệt Lệ Đoài” (Châm Cứu Đại Thành).