Ý nghĩa tên gọi Huyệt Quan Nguyên đó là: Huyệt được coi là cửa (quan) của nguyên khí (nguyên) vì vậy gọi là Quan Nguyên (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác huyệt quan nguyên
Đại Trung Cực, Đan Điền, Đơn Điền, Hạ Kỷ, Tam Kết Giao, Thứ Môn.
Xuất xứ
Thiên ‘Hàn Nhiệt Bệnh’ (Linh Khu 21).
Đặc tính
- Huyệt thứ 4 của mạch Nhâm.
- Huyệt Hội của mạch Nhâm với 3 kinh âm ở chân.
- Huyệt Mộ của Tiểu Trường.
- Huyệt Hội của các kinh cân – cơ của Tỳ, Thận và Can.
- Nơi phân chia (tách ra) của mạch Xung và Nhâm (Tố Vấn 34).
- Một trong nhóm 4 Huyệt Hội của khí Âm Dương gồm: Quan Nguyên (Nh.4) + Trung Quản (Nh.12) + Thiên Đột (Đc 22) và Chí Dương (Đc 9) (Thiên ‘Kinh Mạch Biệt Luận’ – Tố Vấn 21).
Vị trí huyệt quan nguyên
Thẳng dưới rốn 3 thốn, trên bờ xương mu 2 thốn.
Giải phẫu
Huyệt ở trên đường trắng, sau đường trắng là mạc ngang, phúc mạc. Vào sâu có ruột non khi bàng quang bình thường và không có thai, có bàng quang khi bí tiểu tiện, có tử cung khi có thai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D11 hoặc D12.
Tác dụng huyệt quan nguyên
Bồi Thận, cố bản, bổ khí, hồi dương, ôn điều huyết thất, ôn điều tinh cung, khử hàn thấp, khử âm lãnh, phân thanh biệt trọc, điều nguyên tán tà, tăng sức, phòng bệnh.
Chủ trị
Trị bệnh về kinh nguyệt, đới hạ, vô sinh, di mộng tinh, liệt dương, bụng dưới đau, tiêu chảy, kiết lÿ, tiểu gắt, buốt, tiểu bí, choáng, ngất, nâng cao sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, hư tổn, suy nhược toàn thân.
Châm cứu huyệt quan nguyên
Châm thẳng 0,3 – 2 thốn. Cứu 10 – 20 phút trở lên.
Phối hợp huyệt
1. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) trị khí bế, tiểu vàng (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Khí Hải (Nh.6) + Mệnh Quan [Thực Độc] + Trung Quản (Nh.12) (Nh.12) trị dương khí suy, hạ nguyên hư suy (Biển Thước Tâm Thư).
3. Phối cứu Trung Quản (Nh.12) 50 tráng trị hoắc loạn, Vị khí đại tổn, 6 mạch Trầm Tế, tay chân quyết lãnh là chân dương muốn thoát (Biển Thước Tâm Thư).
4. Phối cứu Mệnh Quan [Thực Độc] mỗi huyệt 200 tráng trị trị tiêu chảy không tự chủ do Tỳ Thận khí hư (Biển Thước Tâm Thư).
5. Phối Đại Đôn (C 1) trị dịch hoàn sưng (Châm Cứu Đại Thành).
6. Phối Liệt Khuyết (P.7) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thiên Xu (Vi 25) + Trung Quản (Nh.12) trị bụng đau do hàn, tiêu chảy không cầm (Châm Cứu Đại Thành).
7. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Tâm Du (Bq 15) + Thận Du (Bq 23) trị di tinh, bạch trọc (Châm Cứu Đại Thành).
8. Phối Bạch Hoàn Du (Bq 30) + Chiếu Hải (Th.6) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thái Khê (Th.3) trị di tinh, bạch trọc, tiểu buốt, gắt (Châm Cứu Đại Toàn).
9. Phối Dũng Tuyền (Th.1) trị bọng đái sưng tức (Tư Sinh Kinh).
10. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) trị thận suy, khó cúi ngửa (Tư Sinh Kinh).
11. Phối Thái Khê (Th.3) trị lÿ, tiêu chảy không cầm (Tư Sinh Kinh).
12. Phối Bạch Hoàn Du (Bq 30) + Tâm Du (Bq 15) + Trung Cực (Nh.3) trị di tinh, mộng tinh, tiết tinh (Y Học Cương Mục).
13. Phối Khí Xung (Vi 30) trị nhiệt lâm (Đông Viên Thập Thư).
14. Phối Âm Cốc (Th.10) + Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị lâm chứng (Loại Kinh Đồ Dực).
15. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Đại Đôn (C 1) + Hành Gian (C 2) + Khí Hải (Nh.6) trị di niệu [tiểu nhiều] (Loại Kinh Đồ Dực).
16. Phối Bá Hội (Đc 20) + Hoàn Khiêu (Đ.30) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trì (Đtr 11) + Kiên Ngung (Đtr 15) + Kiên Tỉnh (Đ.21) + Phong Trì (Đ.20) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tuyệt Cốt (Đ.39) có tác dụng phòng ngừa trúng phong (Thần Cứu Kinh Luân).
17. Phối cứu Mệnh Môn (Đc 4) trị tiêu chảy do Tỳ Thận bất túc (Thần Cứu Kinh Luân).
18. Phối cứu Đại Trường Du (Bq 25) + Thần Khuyết (Nh.8) + Tỳ Du (Bq 20) trị người già hư nhược bị tiêu chảy (Thần Cứu Kinh Luân).
19. Phối Khí Hải (Nh.6) + Mệnh Môn (Đc 4)+ Thiên Xu (Vi 25) trị chứng Thận tả, tiêu chảy lúc sáng sớm (Thần Cứu Kinh Luân).
20. Phối Âm Cốc (Th.10) + Âm Lăng Tuyền (Ty 9) trị tiểu bí (Thần Cứu Kinh Luân).
21. Phối cứu Thần Khuyết (Nh.8) 5 – 7 tráng trị tiêu chảy không cầm (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
22. Phối Khúc Cốt (Nh.2) trị chuyển bào không tiểu được (Bị Cấp Cứu Pháp).
23. Phối Cách Du (Bq 17) + Đại Chùy (Đc 14) + Khí Hải (Nh.6) trị thương hàn Thiếu âm chứng, âm thịnh dương suy (Thương Hàn Luận Châm Cứu Phối Huyệt Tuyển Chú).
24. Phối Thái Xung (C 3) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị Tỳ Vị dương hư, hàn trệ ở kinh mạch, tay chân quyết lãnh (Thương Hàn Luận Châm Cứu Phối Huyệt Tuyển Chú).
25. Phối cứu Đại Đôn (C 1) 7 tráng trị dịch hoàn lệch 1 bên (Châm Cứu Dị Học).
26. Phối Địa Cơ (Ty 8) + Huyết Hải (Ty 10) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị kinh đến trước kỳ (thực chứng) (Trung Hoa Châm Cứu Học).
27. Phối cứu Bàng Quang Du (Bq 28) 3 tráng + Dũng Tuyền (Th.1) 5 tráng + Hành Gian (C 2) 3 tráng + Thận Du (Bq 23) 3 tráng trị tiểu nhiều (Trung Hoa Châm Cứu Học).
28. Phối Địa Cơ (Ty 8) + Hành Gian (C 2) + Huyết Hải (Ty 10) + Khí Hải (Nh.6) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị kinh đến trước kỳ (thể hư) (Trung Quốc Châm Cứu Học).
29. Phối Khúc Tuyền (C 8) + Liệt Khuyết (P.7) + Tam Âm Giao (Ty 6) trị đường tiểu viêm (Trung Quốc Châm Cứu Học).
30. Phối Thiên Xu (Vi 25) + Tiểu Trường Du (Bq 27) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị bụng đau, tiêu chảy (Trung Quốc Châm Cứu Học).
31. Phối Bá Hội (Đc 20) + Mệnh Môn (Đc 4) + Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Bq 23) trị liệt dương (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
32. Phối Ẩn Bạch (Ty 1) trị băng lậu (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
33. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) trị giun chỉ, tiểu ra dưỡng chấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
34. Phối Cấp Mạch (C 12) + Chương Môn (C 13) + Trung Cực (Nh.3) trị bàng quang xuất huyết (Châm Cứu Học Thượng Hải).
35. Phối Đại Đôn (C 1) + Phục Lưu (Th.7) + Trường Cường (Đc 1) trị tuyến tiền liệt viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
36. Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Khí Hải (Nh.6) trị tiểu khó sau khi sinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).
37. Phối Đại Hách (Th.12) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Trung Cực (Nh.3) trị liệt dương (Châm Cứu Học Thượng Hải).
38. Phối Thạch Môn (Nh.5) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị tiêu chảy (Châm Cứu Học Thượng Hải).
39. Phối Trung Cực (Nh.3) trị tiểu nhiều (Châm Cứu Học Thượng Hải).
40. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Thạch Môn (Nh.5) trị sinh ngược, sinh khó (Châm Cứu Học Thượng Hải).
41. Phối Cưu Vĩ (Nh.15) + Thiên Xu (Vi 25) trị thổ tả (Châm Cứu Học Thượng Hải).
42. Phối Ẩn Bạch (Ty 1) + Huyết Hải (Ty 10) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị tử cung xuất huyết do chức năng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
43. Phối Đại Chùy (Đc 14) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị còi xương (Châm Cứu Học Thượng Hải).
44. Phối Khí Hải (Nh.6) để nâng huyết áp trong trường hợp choáng, ngất (Châm Cứu Học Thượng Hải).
45. Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Quy Lai (Vi 29) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Thái Xung (C 3) trị sán khí thể thấp nhiệt (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Tham khảo
Bảo người bịnh đi tiểu trước khi châm. Bí tiểu không châm sâu. Có thai không châm sâu.
“Trích dẫn Kỳ Bá rằng: Nếu chỉ do tích hư lạnh gây ra bệnh: đều nên cứu huyệt Quan Nguyên” (Thánh Huệ Phương).
“Đậu Tài cứu pháp: trúng phong liệt nửa người, nói khó, đó là do Thận khí hư suy. Cứu Quan Nguyên 500 tráng” (Biển Thước Tâm Thư).
“Cứu Quan Nguyên 300 tráng để bảo tồn Thận khí” (Biển Thước Tâm Thư).
“Nếu là thất sán đau bụng dưới, Chiếu Hải, Âm Giao, Khúc Tuyền châm, Lại không hiệu quả cầu Khí Hải, Quan Nguyên cùng tả hiệu như thần” (Tịch Hoằng Phú).
“Quan Nguyên chủ trị các chứng hư tổn và người già tiêu chảy, di tinh, bạch trọc, làm cho người ta sinh con được” (Y Học Nhập Môn).
“Gây miễn dịch cho thỏ rồi châm huyệt Quan Nguyên + Túc Tam Lý (Vi 36). Thấy nồng độ kháng thể trong huyết thanh tăng lên nhiều” (Bộ Môn Sinh Lý Y Học Viện Trùng Khánh – Trung Quốc).
“Huyệt Quan Nguyên (Nh.4) và Thần Khuyết có công dụng khác nhau. Cả 2 đều là huyệt chủ yếu để ôn dương nhưng có điểm khác nhau. Quan Nguyên: thiên về ôn bổ Thận dương, ôn hạ tiêu, ích trung tiêu. Đa số là ôn hạ nguyên. Thần Khuyết: thiên về ôn Tỳ Vị dương, ôn trung tiêu, ích hạ tiêu. Đa số thiên về ôn trung” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Huyệt Quan Nguyên (Nh.4) + Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Thận Du (Bq 23) + Trung Cực (Nh.3). Dều có tác dụng lợi tiểu tiện, tuy nhiên có một số điểm khác nhau. Quan Nguyên (Nh.4): bổ nguyên dương, trợ khí hóa, lợi tiểu tiện. Âm Lăng Tuyền (Ty 9): trợ vận hóa, hành thủy thấp, lợi tiểu tiện. Thận Du (Bq 23): bổ Thận khí, ích khí hóa, lợi tiểu tiện. Trung Cực (Nh.3): tăng khí hóa, khai thủy đạo, lợi tiểu tiện. (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Huyệt Quan Nguyên, Âm Lăng Tuyền (Ty 9), Khí Hải (Nh.6) và Trung Cực (Nh.3) có công hiệu khác nhau. Huyệt Quan Nguyên (Nh.4) chủ yếu về Dương khí. Có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, ôn bổ nguyên dương, thường dùng khi chân dương bất túc. Huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty 9) là yếu huyệt về thấp khí. Có tác dụng vận hóa thủy thấp, kiện Tỳ, bổ hư, hành thấp, ôn Tỳ. Thường dùng trong trường hợp Tỳ hư, thấp thịnh hoặc thấp ức chế Tỳ thổ. Huyệt Khí Hải (Nh.6) là yếu huyệt về Nguyên khí, thường dùng trị nguyên khí bất túc. Trung Cực (Nh.3) là yếu huyệt về thủy khí, có tác dụng điều nhiếp thủy đạo, nhiếp và lợi tiểu. Thường dùng để thông nhiếp thủy đạo” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt).
“Bổ Quan Nguyên (Nh.4) + Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Bq 23) có tác dụng ôn bổ Thận dương. Điền sung tinh huyết giống như bài Hữu Quy Ẩm trong sách Cảnh Nhạc Toàn Thư (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Châm bổ Quan Nguyên (Nh.4) + Phục Lưu (Th.7) + Thận Du (Bq 23) có tác dụng bổ Thận dương. Giống như bài Kim Quỹ Thận Khí Hoàn trong sách Kim Quỹ Yếu Lược (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối bổ Phục Lưu (Th.7) + Thận Du (Bq 23) + tả Thông Lý có tác dụng giống như bài Địa Hoàng Ẩm Tử của Lưu Hà Gian Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối bổ Khí Hải (Nh.6) + Thần Môn (Tm.7) có tác dụng ôn dương, cứu nghịch, ích khí. Phục mạch giống như bài Hồi Dương Cứu Cấp Thang của sách Thương Hàn Lục Thư (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối bổ Thận Du (Bq 23) hoặc Thái Khê (Th.3), tả Trung Cực (Nh.3). Có tác dụng giống bài Tế Sinh Thận Khí Hoàn trong sách Tế Sinh Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối bổ Hợp Cốc (Đtr 4) có tác dụng giống bài Sâm Phụ Thang trong sách Phụ Nhân Lương Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối cứu Thần Khuyết (Nh.8) + Thủy Phân (Nh.9) + Tả Trung Cực (Nh.3). Có tác dụng giống bài Thực Tỳ Ẩm của sách Tế Sinh Phương (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Phối tả huyệt Tam Âm Giao (Ty 6) có tác dụng giống như bài Sinh Hóa Thang trong sách Phó Thanh Chủ Nữ Khoa’ (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
Ghi chú
Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy xuống bộ sinh dục ngoài.