Ý nghĩa tên gọi Huyệt Quyết Âm Du đó là: Huyệt có tác dụng đưa kinh khí vào (du) kinh Quyết âm vì vậy gọi là Quyết Âm Du.
Tên gọi khác
Khuyết Âm Du, Khuyết Du, Quyết Du.
Xuất xứ
Thiên Kim Phương.
Đặc tính
- Huyệt thứ 14 của kinh Bàng Quang.
- Huyệt Bối Du của kinh Thủ quyết Âm Tâm Bào.
Vị trí huyệt quyết âm du
Dưới gai sống lưng 4, đo ngang ra 1,5 thốn.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ thang, cơ trám, cơ răng bé sau – trên, cơ gối cổ, cơ lưng dài, cơ cổ dài, cơ bán gai của đầu, cơ bán gai của cổ, cơ ngang – gai, cơ ngang – sườn, phổi.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây sọ não số XI, nhánh của đám rối cổ sâu, nhánh của đám rối cánh tay, nhánh của dây thần kinh gian sườn 4 và nhánh của dây sống lưng 4. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.
Tác dụng huyệt quyết âm du
Thông lạc, điều khí, lý huyết.
Chủ trị
Trị ngực đau tức, thần kinh suy nhược, thấp tim, ho, đỉnh đầu đau.
Châm cứu
Châm xiên về phía đốt sống 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5–10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Lâm Khấp (Đ.41) + Thần Môn (Tm.7) trị tim đau (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Can Du (Bq 18) + Tâm Du (Bq 15) + Thận Du (Bq 23) trị thần kinh suy nhược (Châm Cứu Học Thượng Hải).
3. Phối Tam Âm Giao (Ty 6) + Tâm Du (Bq 15) trị tim bịnh do phong thấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
4. Phối Thiếu Phủ (Tm.8) + Thông Lý (Tm.5) trị cơn tim kịch phát (Châm Cứu Học Thượng Hải).
5. Phối Hiệp Bạch (P.4) + Kinh Cốt (Bq 64) trị tim đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
6. Phối Âm Đô (Th.19) + Cách Du (Bq 17) trị hồi hộp, thần kinh tim rối loạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Tham khảo
“Biểu tà truyền lý, khí của lý thượng nghịch lên gây ra nôn mửa: cứu Quyết Âm Du 50 tráng” (Châm Cứu Tụ Anh).
Ghi chú
Không châm sâu vì có thể đụng phổi.