Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thạch Quan đó là: Thạch = cứng; Quan = cửa ải. Huyệt có tác dụng trị khí tụ lại thành cục cứng, đầy ở dạ dầy và ruột, vì vậy gọi là Thạch Quan (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Hữu Quan, Thạch Khuyết.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 18 của kinh Thận.
- Huyệt giao hội với Xung Mạch.
Vị trí huyệt thạch quan
Rốn đo thẳng lên 3 thốn (huyệt Kiến Lý – Nh.11), đo ra ngang 0,5 thốn.
Giải phẫu
- Dưới da là cân cơ chéo to của bụng, bờ trong cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, đại trường ngang.
- Thần kinh vận động cơ là 6 nhánh thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D8.
Chủ trị
Trị dạ dày đau, thực đạo co thắt, táo bón, nấc cụt.
Châm cứu
Châm thẳng 1 – 1,5 thốn. Cứu 5 – 7 tráng. Ôn cứu 10 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Bàng Quang Du (Bq 28) trị bụng đau, táo bón (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Đại Chung (Th.4) trị táo bón (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Âm Giao (Nh 7) trị vô sinh (Bách Chứng Phú).
4. Phối Đàn Trung (Nh 17) + Hạ Quản (Nh 10) + Thái Bạch (Ty.3) trị ế cách (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Đại Đô (Ty.2) + Thạch Môn (Nh 5) trị khí kết, Tâm đầy cứng, táo bón (Tâm Pháp Phụ Dư).