HomeĐông YHuyệt Thái Uyên

Huyệt Thái Uyên

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thái Uyên đó là: Khi hơi co bàn tay vào phía cẳng tay, tại bờ ngoài lằn chỉ cổ tay, gần xương tay quay, tạo thành một chỗ rất (thái) lõm, như một cái vực sâu (uyên), vì vậy gọi là Thái Uyên.

Tên gọi khác huyệt thái uyên

Quỷ Tâm, Quỷ Thiên, Thái Thiên, Thái Tuyền.

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

  • Huyệt thứ 9 của kinh Phế.
  • Huyệt Du – Nguyên, thuộc hành Thổ.
  • Huyệt Bổ của kinh Phế.
  • Huyệt Hội của Mạch.

Vị trí huyệt thái uyên

Trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.

Vị trí huyệt thái uyên

Giải phẫu

  • Dưới da là rãnh mạch quay. Rãnh ở đoạn này cấu tạo bởi gân cơ dạng dài và gân cơ duỗi ngắn ngón tay cái (ở ngoài). Gân cơ gang tay to và gân cơ gấp chung nông các ngón tay (ở trong). Gân cơ gấp dài ngón tay cái và xương thuyền (ở đáy).
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Tác dụng huyệt thái uyên

Khu phong, hóa đàm, lý Phế, chỉ khát.

Chủ trị

Trị ngực đau, lưng và vai đau, quanh khớp cổ tay đau, ho suyễn.

Châm cứu huyệt thái uyên

Châm thẳng, từ mặt trong lòng bàn tay, hướng mũi kim tới mặt phía lưng bàn tay, sâu 0,3 – 0,5 thốn, Ôn cứu 3 – 5 phút.

Phối hợp huyệt

1. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Hội Âm (Nh 1) trị chứng tê (Giáp Ất Kinh).

2. Phối Thần Môn (Tm.7) trị nôn ra máu mà người lạnh, suyễn (Thiên Kim Phương).

3. Phối Kinh Cừ (P.8) trị cánh tay co rút, đau (Thiên Kim Phương).

4. Phối Hành Gian (C 2) + Ngư Tế (P.10) + Thái Xung (C 3) + Thần Môn (Tm.7) trị ho ra máu (Tư Sinh Kinh).

5. Phối Kinh Cừ (P.8) +Thái Khê (Th.3) trị sốt rét, ngực tức (Tư Sinh Kinh).

6. Phối Liệt Khuyết (P.7) trị ho phong đàm (Ngọc Long Kinh).

7. Phối Ngư Tế (P.10) trị họng khô (Châm Cứu Đại Thành).

8. Phối Dịch Môn (Ttu 2) trị hàn quyết (Châm Cứu Đại Thành).

9. Phối Ngư Tế (P.10) trị cổ khô (Châm Cứu Đại Thành).

10. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Thận Du (Bq 23) trị phế ung [áp xe phổi], nôn ra mủ (Loại Kinh Đồ Dực).

11. Phối Nội Quan (Tb.6) + Tứ Phùng trị ho gà (Châm Cứu Học Thượng Hải).

12. Phối Khúc Trì (Đtr.11) + Nội Quan (Tb.6) + Tâm Du (Bq 15) + Xích Trạch (P.5) trị chứng vô mạch (Cấp Chứng Châm Cứu Liệu Pháp).

Tham khảo

Thiên Nhiệt Bệnh ghi: “Nhiệt bệnh mồ hôi vẫn ra mà mạch lại thuận, có thể châm cho ra mồ hôi, nên thủ huyệt Ngư Tế (P.10), Thái Uyên (P.9), Đại Đô (Ty.2), Thái Bạch [Ty.3], châm tả các huyệt này sẽ làm cho nhiệt giảm bớt, châm bổ thì ra mồ hôi (Linh Khu 23, 30).

Thiên Quyết Bệnh ghi: “Chứng Quyết tâm thống, nếu nằm hoặc nhàn rỗi thì Tâm thống được giãn, bớt, khi nào hoạt động thì đau nhiều hơn, không biến sắc mặt, gọi là chứng Phế Tâm thống, thủ huyệt Ngư Tế, Đại Uyên (Linh Khu 24, 15).

“Phế chủ, Đại trường khách: Thái âm nhiều khí ít huyết, ngực tức, lòng bàn tay nóng, ho suyễn, vùng khuyết bồn đau, khó chịu, cuống họng khô đau, mồ hôi ra, phía trước vai và 2 vú đau, đờm kết ở ngực, hụt hơi. Sở sinh bệnh tìm huyệt gì? Bảo rằng huyệt Thái Uyên + Thiên Lịch [Đtr.6] (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc).

“Thái Uyên phối Phế Du (Bq 13) là cách phối hợp Du và Nguyên huyệt. Bổ cả 2 huyệt có tác dụng tăng cường bổ Phế khí. Dùng phép tả, có tác dụng thanh Phế, tuyên Phế, trấn ho, bình suyễn” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

Thái Uyên phối Hợp Cốc (Đtr.4) là cách phối Nguyên huyệt Biểu Lý. Thái Uyên là Nguyên huyệt của kinh Phế, Hợp Cốc (Đtr.4) là Nguyên huyệt của kinh Đại trường. Dùng phép bổ có tác dụng bổ trung khí, ích Phế khí, ích Phế, cố biểu. Dùng phép tả có tác dụng thanh tuyên Phế khí, sơ vệ, giải biểu” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

Ghi chú

Tránh châm vào động mạch và xương.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất