Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thiên Liêu đó là: Thiên = vùng trên cao. Huyệt ở hố trên vai (phần trên = thiên), lại ở bên cạnh (liêu) mỏm cùng vai, vì vậy gọi là Thiên Liêu (Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 15 của kinh Tam Tiêu.
- Huyệt giao hội với Dương Duy Mạch.
Vị trí huyệt thiên liêu
Tại trung điểm của đoạn nối huyệt Đại Chùy (Đc 14) và bờ ngoài phía sau mỏm cùng vai, hoặc trung điểm của đoạn nối từ huyệt Kiên Tỉnh (Đ.21) và Khúc Viên (Ttr.13), nằm ở hố trên gai xương bả vai.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ thang, cơ trên sống và cơ góc.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh của dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng huyệt thiên liêu
Khu phong, trừ thấp, thông kinh, hoạt lạc, hành khí, hoạt huyết, chỉ thống.
Chủ trị
Trị vai và khớp vai đau, cổ gáy nhức mỏi.
Châm cứu
Châm thẳng, hơi hướng mũi kim tới vùng bả vai, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3 – 7 tráng. Ôn cứu 5 – 15 phút.
Phối hợp huyệt
Phối Khúc Trì (Đtr.11) trị vai và cánh tay đau không giơ cao được (Tư Sinh Kinh).
Ghi chú
“Hàn nhiệt không ra mồ hôi, trong ngực đầy tức, nóng nảy, chọn Thiên Liêu làm chủ” (Giáp Ất Kinh).