Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thiên Song đó là: Thiên = trời, ý chỉ phần trên cơ thể. Song = cửa sổ, ý chỉ cái tai. Huyệt có tác dụng trị điếc, làm cho chức năng của tai trở lại bình thường, vì vậy gọi là Thiên Song (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Dung Long, Dung Lung, Song Long, Song Lung, Thiên Lung.
Xuất xứ: Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
Đặc tính
- Huyệt thứ 16 của kinh Tiều Trường.
- Thuộc nhóm huyệt Thiên Dũ (Thiên Dũ Ngũ Bộ): Nhân Nghênh (Vi 9) + Phù Đột (Đtr.18) + Thiên Dũ (Ttu 16) + Thiên Phủ (P.3) + Thiên Trụ (Bq 12), có tác dụng chuyển khí lên phần trên cơ thể (LKhu 21,20).
Vị trí huyệt thiên song
Ở phía sau cơ ức – đòn – chũm, sau huyệt Phù Đột (Đtr.18) 0,5 thốn, cách củ hầu 3,5 thốn, ngang huyệt Liêm Tuyền (Nh 23).
Giải phẫu
- Dưới da là bờ sau cơ ức – đòn – chũm, cơ nâng vai và các cơ bậc thang.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, các nhánh của đám rối cổ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Tác dụng huyệt thiên song
Khu phong, hoạt lạc, an thần, dưỡng tâm.
Chủ trị
Trị cổ gáy cứng, họng viêm, tai ù, điếc.
Châm cứu huyệt thiên song
Châm thẳng, hướng mũi kim đến vùng gốc (cuống) lưỡi, sâu 0,5 – 1 thốn. Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Nhu Hội (Ttu 13) trị anh chứng [bướu cổ] (Giáp Ất Kinh).
2. Phối Ế Phong (Ttu 17) trị cấm khẩu (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Ngoại Quan (Ttu 5) trị tai ù, không nghe được (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Thiên Đột (Nh 22) trị da mặt nóng (Tư Sinh Kinh).
5. Phối Dương Khê (Đtr.5) trị ngực tức, khó thở (Tư Sinh Kinh).
6. Phối Du Phủ (Th.27) + Đản Trung (Nh 17) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khuyết Bồn (Vi 12) + Liệt Khuyết (P.7) + Phù Đột (Đtr.18) + Thập Tuyên (ra máu) + Thiên Đột (Nh 22) trị ngũ anh (Châm Cứu Đại Thành).
7. Phối Hạ Tam Lý (Vi 36) + Thái Khê (Th.3) + Thần Môn (Tm.7) + Xích Trạch (P.5) trị song nhũ nga (Châm Cứu Tập Thành).
8. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) trị amidal viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
9. Phối Phong Long (Vi 40) + Thiên Trụ (Bq 10) trị họng và thanh quản viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).