Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thông Thiên đó là: Thông = thông suốt, Thiên = vùng đầu. Huyệt là nơi khí của kinh Bàng quang thông suốt với huyệt Bá Hội ở vùng đầu, trị các bệnh ở mũi, mũi liên hệ với hệ hô hấp, làm cho nó thông với thiên, vì vậy gọi là Thông Thiên (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Thiên Cữu, Thiên Nhật.
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 7 của kinh Bàng Quang.
- Theo thiên Tạp Bệnh (Linh Khu 26) thì Thông Thiên là một trong nhóm 5 huyệt ở trên đầu (Đầu Thượng Ngũ Hàng) trị thiên đầu thống do rối loạn vận hành khí (các huyệt khác là Ngũ Xứ (Bq 5) + Thừa Quang (Bq 6) + Lạc Khước (Bq 8) + Ngọc Chẩm [Bq 9]).
Vị trí huyệt thông thiên
Ngay sau huyệt Thừa Quang (Bq 6) 1,5 thốn, hoặc huyệt Bá Hội (Đc 20) ra ngang 1,5 thốn.
Giải phẫu
Dưới da là cân sọ, xương sọ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.
Tác dụng huyệt thông thiên
Khứ phong, giải biểu, thông lợi tỵ khiếu.
Chủ trị
Trị thiên đầu thống, mũi viêm.
Châm cứu
Châm xiên 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 1 – 3 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1.Phối Lạc Khước (Bq 8) trị người cứng như gỗ (Thiên Kim Phương).
2. Phối Thừa Quang (Bq 6) trị mặt liệt, nước mũi chảy (Tư Sinh Kinh).
3. Phối Ấn Đường + Hợp Cốc (Đtr.4) + Thượng Tinh (Đc 23) trị mũi viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).