HomeĐông YHuyệt Thương Dương

Huyệt Thương Dương

Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thương Dương đó là:

  • Huyệt thuộc kinh Dương Minh (thuộc Dương), là nơi tiếp nhận khí từ Phế (âm) chuyển sang (như một hình thức buôn bán – thương), vì vậy gọi là Thương Dương (Trung Y Cương Mục).
  • Thương = Một trong ngũ âm ngày xưa, thuộc hành Kim (của ngũ hành). Thủ Dương minh Đại trường thuộc Kim, thuộc dương, thuộc âm thương, vì vậy gọi là Thương Dương (Kinh Huyệt Giảng Nghĩa).

Tên gọi khác

Tuyệt Dương.

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

  • Huyệt thứ nhất của kinh Đại Trường.
  • Tỉnh huyệt của kinh Đại Trường, thuộc hành Kim.
  • Nơi khí của Phế kinh tới đó.
  • Điểm khởi đầu Kinh Cân Đại Trường.

Vị trí huyệt thương dương

Huyệt ở góc ngoài chân móng ngón tay trỏ cách khoảng 1mm.

Vị trí huyệt thương dương

Giải phẫu

  • Dưới da là phía ngoài chỗ bám gân duỗi ngón trỏ của cơ duỗi chung các ngón tay, bờ ngoài đốt 3 xương ngón tay trỏ.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7.

Tác dụng huyệt thương dương

Giải biểu, thoái nhiệt, sơ tiết tà nhiệt ở Dương minh kinh.

Chủ trị

Trị ngón tay trỏ đau, tê, răng đau, hàm đau, họng đau, thần kinh mặt đau do rối loạn ở kinh cân, tai ù, điếc, sốt cao mê sảng, mắt đau nhức.

Châm cứu huyệt thương dương

Châm xiên hoặc thẳng, sâu 0,1 – 0,2 thốn. Cứu 1 – 3 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.

Phối hợp huyệt

1.Phối Dịch Môn (Ttu.2) + Quan Xung (Ttu.1) + Phong Trì (Đ.20) + Thiên Trụ (Bq.10) trị nhiệt bệnh mà mồ hôi không ra (Giáp Ất Kinh).

2.Phối Cự Liêu (Vi.3) + Đồng Tử Liêu (Đ.1) + Lạc Khước (Bq.8) + Thừa Quang (Bq.6) + Thượng Quan (Đ.3) trị cận thị, thanh manh (Thiên Kim Phương).

3.Phối Quan Xung (Ttu.1) + Thiếu Thương (P.11) + Thiếu Trạch (Ttr.1) + Thiếu Xung (Tm.9) + Trung Xung (Tb.9) trị trúng phong bất tỉnh, đờm khò khè (Châm Cứu Đại Thành).

4.Phối Dương Cốc (Ttr.5) + Hiệp Khê (Đ.43) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Lao Cung (Tb.8) + Lệ Đoài (Vi.45) + Uyển Cốt (Ttr.4) trị sốt không ra mồ hôi (Châm Cứu Tụ Anh).

5.Phối Thái Khê (Th.3) trị sốt rét thể hàn (Bách Chứng Phú).

6.Dùng kim tam lăng châm nặn máu Thương Dương (Đtr.1) + Thiếu Thương (P.11) + Trung Xung (Tb.9) + Thiếu Xung (Tm.9) trị trúng phong bất tỉnh (Loại Kinh Đồ Dực).
Trường hợp sốt cao, họng viêm cấp, bất tỉnh, dùng kim Tam lăng châm cho ra máu.

Thiên Thích Nhiệt ghi: “Bệnh nhiệt, đầu tiên đau ở cánh tay, châm thủ Dương minh (Thương Dương) và Thái âm (Thiếu Thương), mồ hôi ra thì thôi” (Tố Vấn 32, 31).

Thiên Mậu Thích Luận ghi: “Tà khách ở lạc của thủ Dương minh làm cho người ta bị khí đầy tức ở ngực, suyễn, thở gấp, hông sườn tức, giữa ngực nóng, châm ở gốc móng ngón tay trỏ (Thương Dương) và ngón cái (Thiếu Thương), cách khoảng một lá hẹ. Đau bên phải châm bên trái, đau bên trái châm bên phải. Ăn xong bữa thì khỏi bệnh” (Tố Vấn 63, 12).

 

“Ba huyệt Thương Dương + Hợp Cốc (Đtr.4) + Thiếu Thương (P.11) đặc hiệu trị bệnh ở họng và thanh quản, nhất là đối với trẻ nhỏ lại càng công hiệu hơn” (Thái Ất Thần Châm Cứu).

“Phối Thương Dương + Hợp Cốc (Đtr.4) + Thiếu Thương (P.11). Thương Dương là huyệt Tỉnh của kinh thủ Dương Minh Đại Trường, huyệt này thuộc hành Kim, mạch của nó liên lạc với Phế. Châm ra máu huyệt này có tác dụng thanh Phế, lợi yết, sơ tiết tà nhiệt.

Thiếu Thương là huyệt Tỉnh của kinh thủ Thái Âm Phế, ứng với hành Mộc. Mạch khí của kinh Phế phát xuất từ đây, đi theo huyệt Vinh, huyệt Du, huyệt Kinh. Rồi cuối cùng vào huyệt Hợp là huyệt Xích Trạch, sau đó mới tập hợp vào tạng.

Châm ra máu ở huyệt Tỉnh để tả khí nhiệt độc trong nội tạng. Châm huyệt Hợp Cốc để thông giáng khí của kinh Dương Minh, thanh giải được Phế khí.

Ba huyệt này phối hợp có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Làm cho độc tà thoát ra lỗ chân lông, thanh Phế, lợi yết, sơ tiết Trường Vị. Để trị các chứng ở họng, đầu, mắt” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).

Tham khảo

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh quay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất