Ý nghĩa tên gọi Huyệt Thủy Tuyền đó là: Huyệt ở gót chân, thuộc địa; Huyệt là Khích huyệt của kinh Thận, là nơi Thận khí tụ tập và xuất ra như con suối, vì vậy gọi là Thủy Tuyền (Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc tính
- Huyệt thứ 5 của kinh Thận.
- Huyệt Khích của kinh Thận.
- Huyệt dùng để châm trong trường hợp Thận khí bị rối loạn.
Vị trí huyệt thủy tuyền
Thẳng dưới huyệt Thái Khê (Th.3) 1 thốn, trên xương gót chân, bờ sau gân gấp dài ngón chân cái.
Giải phẫu
- Dưới da là bờ sau gân gấp dài ngón chân cái, chỗ bám của cơ dạng ngón cái và gân gót chân, rãnh gót của xương gót chân.
- Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác dụng huyệt thủy tuyền
Sơ tiết hạ tiêu, thông điều kinh huyết.
Chủ trị
Trị kinh nguyệt rối loạn, tử cung sa, tiểu khó, cận thị, gót chân đau, thống kinh.
Châm cứu
Châm thẳng 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1. Phối Chiếu Hải (Th.6) trị vùng dưới tim đau (Thiên Kim Phương).
2. Phối Khí Hải (Nh.6) + Thiên Xu (Vi.25) trị vùng bụng quanh rốn đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).