Ý nghĩa tên gọi Huyệt Trung Phủ đó là: Phủ chỉ nơi kinh khí hội tụ. Huyệt là nơi hội tụ mạch khí của kinh Phế. Giữa ngực là nơi thần khí của Phế hội tụ, vì vậy gọi là Trung Phủ (Trung Y Cương Mục).
Tên gọi khác
Phủ Trung du, Ưng Du, Ưng Trung Du.
Xuất xứ
Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).
Đặc tính
- Huyệt thứ nhất của kinh Phế.
- Huyệt Mộ nơi khí tạng Phế đến.
- Huyệt Hội với Túc Thái Âm Tỳ.
- Huyệt để tả Dương ở ngực (Nhiệt tà): phối hợp với Đại Cự, Khuyết Bồn và Phong Môn.
- Huyệt quan trọng để chẩn đoán suy nhược thần kinh. Theo thiên Điên Cuồng (Linh Khu 22): Nếu ấn ngón tay trên những huyệt Trung Phủ, Vân Môn và Phế Du (Bq.13) bệnh nhân cảm thấy khí lên, và nếu ấn mạnh hơn sẽ cảm thấy dễ chịu. Chứng minh rằng do rối loạn vận hành, biến nên điên cuồng. Vì thế, nếu rối loạn khí kèm theo bụng trướng, bụng sôi, ngực đè ép khó thở, phải châm 3 huyệt này.
Vị trí huyệt trung phủ
Dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 01 thốn, hoặc giữa xương sườn 1 và 2, cách đường giữa ngực 06 thốn.
Giải phẫu
- Dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 2.
- Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé, dây thần kinh răng to của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng huyệt trung phủ
Thanh tuyên thượng tiêu, sơ điều Phế khí.
Chủ trị
Trị ho, hen suyễn, ngực đau, vai, lưng đau, viêm khí quản, lao phổi.
Châm cứu huyệt trung phủ
Châm thẳng hoặc xiên hướng kim ra ngoài, lên trên, sâu 05 – 1 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt
1.Phối Âm Giao (Nh.7) trị họng đau, ngực đầy tức, nóng lạnh (Thiên Kim Phương).
2.Phối Thiên Xu (Vi.25) trị ngực đau (Châm Cứu Tụ Anh).
3.Phối Hiếp Đường + Phách Hộ (Bq.42) trị ngực đầy tức (Châm Cứu Tụ Anh).
4.Phối Dương Giao (Đ.35) trị họng viêm cứng (Châm Cứu Tụ Anh).
5.Phối Ý Xá (Bq.49) trị suyễn (Bách Chứng Phú).
6.Phối Chiên Trung (Nh.17) + Định Suyễn + Nội Quan (Tb.6) trị hen suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
7.Phối Khổng Tối (P.6)+ Phế Du (Bq.13) trị hen suyễn, khí quản viêm mạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
8.Phối Kết Hạch Huyệt + Phế Du (Bq.13) + Phế Nhiệt Huyệt trị lao phổi (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Tham khảo
Thiên Điên Cuồng ghi: “Chứng Quyết nghịch làm cho bụng bị trướng, ruột sôi, ngực bị đầy không thở được. Nên thủ huyệt ở sườn thứ 2 bên dưới ngực (h. Trung Phủ), nơi mà bệnh nhân ho sẽ động đến đầu ngón tay. Đồng thời dùng tay ấn lên huyệt ở Bối du thì bệnh sẽ khỏi ngay” (Linh Khu 22, 38).
Thiên Thủy Huyệt Nhiệt Luận ghi: “Đại Trử, Ưng Du (Trung Phủ), Khuyết Bồn, Bối Du (Phong Môn). 8 huyệt này dùng để tả nhiệt ở trong ngực” (Tố Vấn 61, 19).
“Khuyết Bồn chủ về tả nhiệt ở trong ngực, cùng kết hợp với huyệt Đại Trử, Trung phủ và Phong Phủ” (Loại Kinh Đồ Dực) [ở đây có khác với Tố Vấn là dùng huyệt Phong Phủ thay vì Phong Môn, không biết là sai do in ấn hay không?].
“Phế Du và Trung Phủ có công dụng khác nhau. 2 huyệt là Mộ và Bối Du huyệt của Phế, trị bệnh về Phế, tuy nhiên, có điểm khác nhau:
Phế Du: trị Phế khí bất túc, Phế không tuyên giáng được, đa số dùng theo biện chứng phối huyệt. Có thể bổ hoặc tả.
Trung Phủ: trị Phế không tuyên giáng được, ngực kết ứ trệ, thường dùng theo cách lấy huyệt cục bộ để trị. Đa số dùng phép tả, ít khi dùng bổ (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
“Trung Phủ có giá trị trong việc chẩn đoán lao phổi và là một trong những huyệt chính để trị lao phổi” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).