Huyệt tuyền Cơ là trời của chòm sao, các sao khác vây quanh. Phế giống như trời của các tạng, mà lại ở giữa, có tác dụng tuyên thông Phế khí, vì vậy gọi là Tuyền Cơ (Trung Y Cương Mục).
Tên Gọi Khác Huyệt Tuyền Cơ
Toàn Cơ, Triền Cơ, Triển Cơ, Truyền Cơ.
Xuất Xứ
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính
Huyệt thứ 21 của mạch Nhâm.
Vị Trí Huyệt Tuyền Cơ
Ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức và đường ngang qua bờ trên khớp ức – sườn thứ 1.
Giải phẫu
Dưới da là đầu trên xương ức. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Chủ Trị
Trị ngực đau, ho suyễn.
Châm cứu
Châm xiên 0,3 – 1 thốn. Cứu 5 – 15 phút.
Phối Hợp Huyệt Tuyền Cơ
- Phối Cưu Vĩ (Nh.15) trị họng sưng đau, nuốt không xuống (Thiên Kim Phương).
- Phối Túc Tam Lý (Vi.36) trị tích khối ở Vị (Châm Cứu Đại Thành).
- Phối Khí Hải (Nh.6) trị suyễn (Ngọc Long Kinh).
- Phối Đàn Trung (Nh.17) + Hoa Cái (Nh.20) + Khí Hải (Nh.6) + Kỳ Môn (C.14) + Nhũ Căn (Vi.18) + Thiên Đột (Nh.22) trị suyễn (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối Nội Quan (Tb.6) + Thiên Đột (Nh.22) trị thực quản co rút (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Đại Chùy (Đc.14) + Định Suyễn trị hen suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Tham Khảo
“Gầy yếu, thở suyễn: Toàn Cơ và Khí Hải nên biết” (Ngọc Long Ca). “Trong Vị có tích trệ, châm Tuyền Cơ, (Túc) Tam Lý, công hiệu nhiều người không biết” (Tịch Hoằng Phú). “Trong Vị đình trệ thức ăn, để tìm (Túc) Tam Lý và Triền Cơ để châm” (Thiên Tinh Bí Quyết). “Nội thương thực tích châm Tam Lý, Tuyền Cơ tương ứng khối cũng tiêu” (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
Ghi Chú
Xương ức mềm, do đó, cần thận trọng, không châm thẳng.