HomeĐông YHuyệt Xung Dương

Huyệt Xung Dương

Huyệt xung dương khi đặt tay lên huyệt, thấy có mạch đập (xung), và vì huyệt ở mu bàn chân, thuộc phần Dương, vì vậy gọi là Xung Dương.

Huyệt Xung Dương Tên Gọi Khác

Hội Cốt, Hội Dõng, Hội Dũng, Hội Nguyên, Phu Dương.

Xuất xứ

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).

Đặc tính

  • Huyệt thứ 42 của kinh Vị. 
  • Huyệt Nguyên, nơi chẩn đoán tình trạng của Vị khí: Bệnh nặng mà sờ vào Xung Dương còn thấy mạch đập chứng tỏ Vị khí còn, có khả năng chữa trị được.

Vị trí huyệt xung dương

Nơi cao nhất của mu bàn chân, có động mạch đập, trên huyệt Nội Đình 5 thốn, nằm giữa huyệt Nội Đình và Giải Khê, bờ trong gân cơ duỗi ngón thứ 2 và cơ duỗi ngắn ngón cái.

Tác dụng, chủ trị và cách xác định vị trí huyệt xung dương

Giải phẫu

  • Dưới da là bờ trong gân cơ duỗi ngón 2 của cơ duỗi chung các ngón chân, cơ duỗi ngắn ngón cái, sau khớp chêm – thuyền. 
  • Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng huyệt xung dương

Hóa thấp, hòa Vị, định thần chí.

Chủ trị

Trị mu bàn chân đau, liệt chi dưới, răng đau, lợi răng viêm, bệnh tâm thần.

Châm cứu huyệt xung dương

Châm thẳng sâu 0,3 – 0,5 thốn, Ôn cứu 3 – 5 phút.

Phối hợp huyệt

1. Phối Bộc Tham (Bq.63) + Phi Dương (Bq.58) + Phục Lưu (Th.7) + Túc Tam Lý (Vi.36) + Uyển Cốt (Ttr.4) trị chân yếu (Thiên Kim Phương). 

2. Phối Thúc Cốt (Bq.65) trị sốt rét nhập vào gân cơ (Thiên Kim Phương). 

3. Phối Phong Long (Vi.40) trị cuồng chạy bậy (Thiên Kim Phương). 

4. Phối Địa Thương (Vi.4) trị bán thân bất toại, miệng méo (Tư Sinh Kinh). 

5. Phối Bộc Tham (Bq.63) + Hoàn Cốt (Đ.12) + Phi Dương (Bq.58) + Phục Lưu (Th.7) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị chân teo, chân liệt, chân mất cảm giác (Tư Sinh Kinh). 

6. Phối Hậu Khê (Ttr.3) + Thần Môn (Tm.7) trị phát cuồng (Châm Cứu Đại Thành). 

7. Phối Điều Khẩu (Vi.38) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị chân yếu khó đi (Thiên Tinh Mật Quái). 

8. Phối Giải Khê (Vi.41) + Hãm Cốc (Vi.43) + Lệ Đoài (Vi.45) + Nội Đình (Vi.44) trị nhọt mọc quanh miệng (Ngoại Khoa Lý Lệ). 

9. Phối Hãm Cốc (Vi.43) + Nhiên Cốc (Th.2) trị mu bàn chân sưng, xung huyết (Châm Cứu Học Thượng Hải). 

10. Phối Điều Khẩu (Vi.38) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị chân yếu, đi khó (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Tham khảo

“Bụng đầy, Tâm phiền muộn, ý không vui, sợ người, sợ lửa, sợ ánh sáng, tai nghe có tiếng động ở chỗ khác là trong lòng sợ sệt, chảu máu mũi, môi lệch, giống như bị sốt rét, như muốn bỏ quần áo chạy rông vì trong người n óng, đờm nhiều, khí làm cho ngực và chân đau nhức liên tục: châm huyệt Xung Dương và Công Tôn thì khỏi ngay” (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết – Châm Cứu Đại Thành).

Ghi chú

Tránh mạch máu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất