Nhân dân ta thường dùng nhiều loại rắn khác nhau để làm thuốc, ví dụ: rắn hổ mang Naja-naja L, rắn cạp nong Bungarus fasciantus L, cạp nia Bungarus candidus L, rắn ráo Zamenis mucosus L.
Tính vị: vị ngọt, mặn, tính ấm
Quy kinh: vào kinh can
Công năng chủ trị:
– Trừ phong thấp, thông kinh lạc, dùng trong các bệnh đau khớp xương, đau nhức xương, đau cột sống hoặc chân tay tê dại; có thể phối hợp với các vị thuốc như thiên niên kiện, cốt toái hổ, cẩu tích, kê huyết đằng, trần bì, ngưu tất (thường được dùng dưới dạng rượu ngâm).
– Chỉ kinh, giải co quắp, dùng trong các bệnh co giật ở trẻ em, các chứng kinh phong, bán thân bất toại. Ngoài ra còn dùng để điều trị bệnh phong hủi.
– Xác rắn (xà thoái) vị mặn, tính bình có tác dụng trừ phong giải độc, sát khuẩn làm tan mộng mắt, làm hết ngứa; dùng điều trị bệnh tai chảy mủ; đốt xác rắn thành than, trộn đều với phèn phi, băng phiến, thổi vào tai. Với trẻ sơ sinh viêm họng, đau họng dùng xà thoái thán, hòa với sữa nhỏ vào họng. Ngoài ra còn dùng xác rắn chữa mụn nhọt, sang lở, da bị lở loét; trẻ con sài giật, quai bị: xác rắn 4g, hòa vào dịch cốt của nõn cây chuối còn non uống.
– Ngoài các loại rắn nói trên hiện nay còn dùng loại rắn biển để chữa các bệnh thấp khớp đau xương (Có thể dùng dưới dạng bột).
Liều dùng: 8-16g
Kiêng kỵ: cơ địa dị ứng không nên dùng
Chú ý:
– Mật rắn có tác dụng chống viêm, giảm đau tốt, cần bảo quản khi chế biến.
– Khi chế biến rắn cần chú ý tránh nọc độc.