SA SÂM (Bắc) Dùng rễ của cây bắc sa sâm Glehnia littoralis Fr. Schmidt et Miq. Họ Hoa tán
Apiaceae (hiện có bán trên thị trường Việt Nam).
Tính vị: vị ngọt, đắng, tính hơi hàn
Quy kinh: vào 2 kinh phế và vị
Công năng chủ trị:
– Dưỡng âm thanh phế: trị chức năng của phế âm suy kiệt, lúc sốt, lúc nóng, ho khan, ho có đờm khó khạc ra, thường phối hợp với mạch môn, thiên môn; có thể dùng sa sâm phối hợp với một số vị thuốc khác để dưỡng âm thanh phế, trong thời kỳ đầu của thủy đậu đã xẹp: sa sâm, sinh địa, vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, bạch biển đậu mỗi thứ 12g, hoàng tinh, lá dâu, mạch môn, cam thảo dây mỗi thứ 10g.
– Dưỡng vị, sinh tân dịch: dùng trị các bệnh của dạ dày do thương tổn phần âm dẫn đến biểu hiện họng kho ráo, lưỡi đỏ, thường phối hợp với sinh địa, mạch môn đông.
– Nhuận tràng thông tiện: dùng rễ phơi khô, sao vàng sắc uống.
Liều dùng: 12-20g
Chú ý: cần phân biệt với các cây cũng gọi là sa sâm như cây Adenophora verticillata Fisch, thuộc họ hoa chuông (còn gọi là tử diệp sa nhân) và cây tế diệp sa sâm Campanula vincaeflora Vent.