HomeDược LiệuSinh Khương

Sinh Khương

SINH KHƯƠNG (Gừng tươi) là thân và rễ của cây gừng Zingiber officinale Rosc. Họ Gừng Zingiberaceae; tươi là sinh khương, khô là can khương, qua bào chế là bào khương, sao cháy là tán khương.

Tính vị: vị cay, tính ấm

Quy kinh: vào 3 kinh phế, vị, tỳ

Công năng chủ trì

– Phát tán phong hàn, dùng chữa cảm mạo do phong hàn gây ra. Có thể dùng 4g sắc riêng, uống lúc nóng hoặc phối hợp với bạch chỉ, kinh giới…có thể dùng dự phòng cảm hàn khi gặp mưa gió lạnh; dùng miếng gừng nhấm dần hoặc uống một cốc nước sắc gừng thêm đường, hoặc dùng gừng tươi giã nát sát trên da khi bị cảm.

– Làm ấm vị (ấm dạ dày), hết nôn lợm dùng khi bị lạnh, bụng đầy trướng, đau bụng không tiêu, dùng gừng nướng 1 củ. Đặc biệt tốt cho phụ nữ, sau khi đẻ bị cảm lạnh, khí huyết bị ngưng trệ, đầy bụng, mặt nặng, chân lạnh. Trường hợp do lạnh mà đau bụng dữ dội, đau lan ra lưng sườn, dùng sinh khương 8g, ngải diệp 12g, quế chi 12g, giấm ăn 15ml sắc uống. Nếu bị ỉa chảy dùng can khương 8g, tán nhỏ ăn với nước cháo nóng, nếu bị kiết lỵ cũng làm tương tự.

– Hóa đờm chỉ ho (hết đờm, ngừng ho), dùng trong bệnh ho do viêm phế quản, phối hợp với cam thảo, còn dùng hóa đờm khi bị bệnh trúng phong cấm khẩu, đờm đút tắc cổ họng. Có thể nấu nước gừng tắm cho trẻ dưới 1 tuổi bị ho (tránh gió, lau khô sau tắm).

– Lợi niệu tiêu phù thũng: dùng vỏ gừng trong bài ngũ bì ẩm (khương bì, tang bạch bì, trần bì, phục linh bì, đại phúc bì).

– Giải độc khử trùng: dùng chữa khi giun đũa chiu lên ống mật, hoặc tắc ruột do giun đũa; trước hết người ta cho người bệnh uống dấm thanh, sau uống nước cốt của gừng tươi. Ngoài ra còn dung dịch nước cốt gừng, chữa bệnh xích bạch điến, nấu rửa vết thương; giải độc thiên nam tinh, bán hạ; hoặc khi ăn cua, cá bị dị ứng, phối hợp với hoàng đằng hoặc lá nhội để rửa khi bệnh khí hư, mẩn ngứa.

Ngoài ra gừng còn dùng trong “cứu” gián tiếp trên các huyệt vị; dùng làm thang trong một số phương thuốc; hoặc làm phụ liệu để chế biến một số vị thuốc khác như chế bán hạ, tẩy mùi hôi của gạc hươu nai, xương động vật khi nấu cao. Do tính chất thơm, cay ấm của gừng, gừng còn dùng làm nguyên liệu chế biến các thức ăn; đặc biệt thức ăn mang tính hàn trệ…

Liều dùng: 4 -12g

Kiêng kỵ: những người bị ho do phế nhiệt và nôn do vị nhiệt thì không nên dùng.

Chú ý:

– Tác dụng dược lý: nước gừng có tác dụng gây co mạch, hưng phấn thần kinh trung ương, và thần kinh giao cảm, tăng tuần hoàn, tăng huyết áp, ức chế trung tâm nôn, sung huyết ở dạ dày, cầm máu nhẹ. Những tác dụng đó đã phần nào giải thích
được công dụng mà YHCT dùng gừng.

– Tác dụng kháng khuẩn: gừng có tác dụng ức chế một số khuẩn Bacillus mycoides, Staphylo. aureus. Diệt Trichomonas ở âm đạo.

– Tinh dầu sinh khương, can khương và tiêu khương (dạng khương chế) tác dụng ức chế Bacillus cerus, B. subtilis, Sarcina lutea, Staphylococcus aureus, Streptococcus. E. coli, Proteus mirabilis, Sallmonella typhi, Shigella flexneri, Pseodomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae. Đáng lưu ý là chế phẩm tiêu khương (dạng sao chế) lại có tác dụng tốt nhất (Phạm Xuân Sinh, Cao Văn Thu).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xem Nhiều Nhất