XUYÊN KHUNG là thân rễ phơi khô của cây xuyên khung Ligusticum wallichii. Franch. Họ Hoa tán Apiaceae
Tính vị: vị cay, tính ấm
Quy kinh: vào 3 kinh can, đởm, tâm bào
Công năng chủ trị:
– Hành huyết thông kinh: dùng các trường hợp phụ nữ kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng khi có kinh hoặc vô sinh, khó để; dùng xuyên khung 8g, đương quy 12g.
– Giải nhiệt, hạ sốt: dùng trong ngoại cảm phong hàn, dẫn đến đau đầu, hoa mắt, đau răng, dùng xuyên khung 4g, bạch chỉ 8g. Ngoài ra còn dùng để chữa sốt rét.
– Hành khí giải uất, giảm đau, dùng trong trường hợp khí trệ ngực sườn đau tức, khí huyết vận hành khó khăn, đau cơ, đau khớp; hoặc nhọt độc đau răng cấp, phối hợp với tang diệp, hương phụ.
– Bổ huyết; có thể phối hợp với một số vị thuốc khác để bổ huyết, trong trường hợp cơ thể suy nhược huyết kém, xanh xao dùng trong bài tứ vật (xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch nhược).
Liều dùng: 4-12g
Chú ý:
– Tác dụng dược lý: nước sắc xuyên khung kéo dài giấc ngủ của chuột khi dùng kèm với thuốc ngủ bacbituric đối kháng với cafein. Liều nhỏ tinh dầu xuyên khung có tác dụng ức chế hoạt động não, hưng phấn trung khu hô hấp trung khu phản xạ ở tủy sống, làm tăng huyết áp. Tuy nhiên nếu dùng liều cao của tinh dầu này sẽ làm não tê liệt, huyết áp hạ, hô hấp khó khăn.
– Tác dụng kháng khuẩn: thuốc có tác dụng ức chế Streptococcus và Candida albicans. Chú ý những người âm hư hỏa vượng; đàm nghịch nôn không nên dùng.